“Siêu ong bắp cày” F/A-18 của Mỹ rơi xuống biển ở Philippines

Bạch Dương| 12/11/2018 14:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Siêu ong bắp cày” tiêm kích hạm F/A-18 của quân đội Mỹ đã bị rơi xuống vùng biển ở Philippines, Reuters dẫn thông báo của Hải quân Mỹ cho biết.

Theo Reuters, sự việc xảy ra hôm nay (12/11), sau khi chiếc F/A-18 gặp sự cố về máy móc trong các chiến dịch thường ngày.

Rất may cả hai phi công đã được cứu kịp thời và hiện tình trạng sức khỏe tốt, thông báo của Hải quân Mỹ cho biết.

Nguyên nhân vụ việc hiện đang được điều tra, làm rõ.

“Siêu ong bắp cày” F/A-18 của Mỹ rơi xuống biển ở Philippines

Một chiếc F/A-18C biên chế trong Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ. Ảnh: Wikipedia

“Siêu ong bắp cày” F/A-18 Super Hornet vốn được mệnh danh là “Vũ khí của Thần chết” đã hoạt động trong không quân Mỹ từ năm 1999.

Super Hornet được Hải quân Mỹ đặt mua của hãng McDonnell Douglas vào năm 1992, bay lần đầu tiên vào tháng 11/1995, hạ cánh lần đầu tiên trên tàu sân bay vào năm 1997 và đi vào hoạt động chính thức vào năm 1999, thay thế cho tiêm kích hạm F-14 Tomcat.

Theo Wikipedia, McDonnell Douglas (hiện tại là Boeing) F/A-18 Hornet là một máy bay phản lực chiến đấu đa nhiệm siêu thanh hai động cơ có khả năng hoạt động trên tàu sân bay trong mọi thời tiết, có khả năng chiến đấu và tấn công các mục tiêu mặt đất (F/A viết tắt của Fighter/Attack - Chiến đấu/Tấn công).

Do McDonnell Douglas và Northrop thiết kế, F/A-18 xuất xứ từ mẫu YF-17 của Northrop trong thập niên 1970 để sử dụng trong Hải quân Mỹ và Thủy quân lục chiến. Đây là loại máy bay trình diễn của Phi đội Trình diễn Bay của Hải quân Mỹ, Blue Angels, từ năm 1986. Bên cạnh đó, Hornet cũng được sử dụng trong lực lượng không quân của nhiều quốc gia.

F/A-18 có tốc độ tối đa Mach 1.8. Nó có thể mang nhiều loại bom và tên lửa, gồm cả tên lửa không đối không và không đối đất cùng một pháo M61 Vulcan 20mm. Máy bay sử dụng hai động cơ turbin cánh quạt General Electric F404 giúp nó có một tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng cao.

Các vai trò chủ yếu của F/A-18 là hộ tống, bảo vệ hạm đội, chế áp lực lượng phòng không đối phương (SEAD), ngăn chặn tiếp tế trên không, hỗ trợ gần trên không và trinh sát. Độ tin cậy và linh hoạt của F/A-18 khiến loại máy bay này trở thành loại vũ khí đáng giá trên tàu sân bay, dù F/A-18 từng bị chỉ trích vì có tầm hoạt động và tải trọng kém so với những loại máy bay cùng thời, như Grumman F-14 Tomcat trong vai trò máy bay chiến đấu và tấn công, và Grumman A-6 Intruder cùng LTV A-7 Corsair II trong vai trò tấn công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Siêu ong bắp cày” F/A-18 của Mỹ rơi xuống biển ở Philippines