“Pháo đài bay” B-52 tới Biển Đông: Chỉ là phần “chóp của tảng băng trôi”

Minh Thi (Reuters, RIA Novosti)| 13/11/2015 14:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo tài liệu mới được công bố, thực tế, Mỹ đã thực hiện các chuyến bay do thám tối mật ở Thái Bình Dương từ nhiều năm qua.

“Pháo đài bay” B-52 tới Biển Đông: Chỉ là phần “chóp của tảng băng trôi”

"Pháo đài bay" B-52 vừa được Mỹ điều đến áp sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc cải tạo phi pháp ở khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Lầu Năm Góc ngày hôm qua (12/11) khẳng định: Trong tuần, 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 của Không quân Mỹ đã thực hiện các chuyến bay áp sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây phi pháp ở khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trước đó, ngày 18/7, Mỹ triển khai chuyến bay tuần tra trên Biển Đông bằng chiếc máy bay trinh sát tối tân nhất của mình. Theo RIA Novosti, chiếc P-8A Poseidon, với sự có mặt của Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ - Đô đốc Scott Swift, đã bay lượn quanh khu vực đảo nhân tạo trong suốt 7 giờ đồng hồ.

Mặc dù trả lời báo chí, ông Scott Swift khẳng định rằng, đây chỉ là hoạt động bình thường của Hải quân Mỹ, song nhiều nguồn tin cho rằng, chuyến bay nhằm thử nghiệm thiết bị thu thập thông tin mới vừa được trang bị “Sát thủ săn ngầm” P-8A Poseidon.

“Pháo đài bay” B-52 tới Biển Đông: Chỉ là phần “chóp của tảng băng trôi”

“Sát thủ săn ngầm” P-8A Poseidon

Không chỉ bị Bắc Kinh chỉ trích mạnh mẽ, các chuyến bay do thám của Washington còn khiến cho căng thẳng Mỹ - Trung trên Biển Đông ngày càng tăng, theo RIA Novosti.

Thế nhưng, theo những tài liệu mà trang Chiến tranh thật buồn tẻ (War Is Boring) có được thông qua kiến nghị về Đạo luật Tự do Thông tin, Mỹ đã thực hiện các hoạt động do thám tối mật ở Thái Bình Dương từ nhiều năm qua. Và, những chuyến bay nêu trên chỉ là “phần chóp của tảng băng trôi” mà thôi.

RIA Novosti cho biết, thực tế, Không quân Mỹ đã tiến hành các chuyến bay tối mật trên một khu vực rộng lớn ở Thái Bình Dương ít nhất từ năm 2013, chủ yếu để thu thập tin tức tình báo về Trung Quốc và Triều Tiên.

“Những chiếc máy bay khác của lực lượng Không quân Mỹ thực hiện sứ mệnh thu thập thông tin quốc gia gồm có RC-135U Combat Sent, RC-135S Cobra Ball, và các máy bay tối mật đề cập ở trên”, RIA Novosti trích dẫn tài liệu.

Trong khi Combat Sent và Cobra Ball đều là máy bay do thám cỡ lớn, kích cỡ tương đương máy bay chở khách, thì loại máy bay nói trên vẫn ở dạng “tối mật”. Và cho tới giờ, các chuyên gia quân sự có rất ít thông tin về nó.

Khả năng đó là chiếc RQ-170 Sentinel, được biết dưới cái tên Wraith, do Tập đoàn Lockheed Martin phát triển. Loại máy bay không người lái này gần như “vô hình” với radar, và theo như tin tức đã đưa, RQ-170 Sentinel được phát triển để Mỹ có thể thực hiện các chuyến bay do thám bên trong biên giới lãnh thổ quốc gia đối thủ.

“Pháo đài bay” B-52 tới Biển Đông: Chỉ là phần “chóp của tảng băng trôi”

Máy bay không người lái RQ-170 Sentinel được biết dưới cái tên Wraith, do Tập đoàn Lockheed Martin phát triển

Đây là mẫu máy bay giống với loại mà giới chức trách Tehran cáo buộc là đã đâm xuống lãnh thổ Iran từ năm 2011, RIA Novosti cho biết thêm.

Nhiều câu hỏi được đặt ra là liệu sự cố năm 2011 có dẫn đến việc Sentinel - một trong những máy bay tối mật trong kho vũ khí của Lầu Năm Góc có bị dừng hoạt động hay không. Và do đó, các chuyên gia cho rằng, khả năng Wraith thực hiện chuyến bay tuần tra Thái Bình Dương khó có thể xảy ra, mà thay vào đó là một loại hoàn toàn mới.

Một loạt máy bay do thám “khét tiếng nhất” của Mỹ được dưa vào sử dụng từ rất lâu trước khi công chúng biết đến sự tồn tại của chúng. Có thể kể đến U-2, A-12 Oxcart, và SR-71 Blackbird - tất cả từng một thời được liệt vào hàng “tối mật” của Không quân Mỹ.

Năm 2013, phóng viên Tuần báo Hàng không (Aviation Week) đã công bố thông tin liên quan đến một dự án bí mật nhằm phát triển chiếc Sentinel mới mang tên RQ-180. Thế nhưng, theo RIA Novosti, bất kể loại máy bay bí mật nào mà Lầu Năm Góc có thể đang phát triển, thì chắc chắn một điều rằng, Mỹ cũng phải tiêu tốn một số tiền cực lớn cho các dự án công khai.

Điển hình, chương trình phát triển máy bay tiêm kích F-35 đã ngốn một khoản ngân sách quốc phòng tới gần 400 tỷ USD. Và dù trang bị công nghệ hiện đại, F-35 vẫn rất “vất vả” để có thể cạnh tranh với những chiếc máy bay thế hệ trước.

Hay mới đây, vào tháng 10/2015, Lầu Năm Góc đã đạt được một hợp đồng với Northrop Grumman về phát triển một chiếc máy bay ném bom tiêm kích tầm xa thế hệ mới. Và trị giá của bản hợp đồng này cũng không hề “mềm”, ước tính tới 51 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Pháo đài bay” B-52 tới Biển Đông: Chỉ là phần “chóp của tảng băng trôi”