Khu vực duy nhất nói “không” với Putin trong cuộc bỏ phiếu cho những thay đổi trong hiến pháp

Trâm Anh (theo The Guardian)| 03/07/2020 17:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khu tự trị Nenets là khu vực duy nhất trong số 85 địa phương của Nga đã thách thức Kremlin và bỏ phiếu chống lại những thay đổi hiến pháp giúp Tổng thống Vladimir Putin có cơ hội giữ quyền lực cho đến năm 2036.

Khu vực duy nhất nói “không” với Putin trong cuộc bỏ phiếu cho những thay đổi trong hiến pháp

Một phụ nữ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp năm 2020 của Nga tại Khu vực Priuralsky của Khu tự trị Nenets. 

Cựu sĩ quan KGB, người đã cai trị Nga trong hơn hai thập kỷ với tư cách là tổng thống hoặc thủ tướng, đã nhanh chóng giành được chiến thắng gây tranh cãi, trao cho ông quyền tranh cử thêm hai nhiệm kỳ sáu năm sau khi cuộc bầu cử hiện tại kết thúc vào năm 2024.

Các nhà phê bình đã không thừa nhận kết quả này và nói rằng việc bỏ phiếu đã được gian lận để tạo ra một chiến thắng lở đất.

Tại khu tự trị Nenets, cách Moscow 1.600 km (994 dặm) về phía Đông Bắc, một khu vực dân cư thưa thớt ở Bắc Cực sống nhờ nghề chăn tuần lộc, trên 55% trong tổng số 37.490 cử tri đã bỏ phiếu chống lại cải cách. Đây khu vực duy nhất phản đối những điểm mới của hiến pháp.

Sự bất mãn dường như đã có ở khu vực này một thời gian dài và việc người dân địa phương này bỏ phiếu chống lại những cải cách của hiến pháp dường như để thể hiện sự tức giận đối với một vấn đề địa phương khác.

Cụ thể, cư dân phản đối kế hoạch đã được đưa ra vào đầu năm nay bởi các nhà chức trách về việc sáp nhập khu tự trị Nenets với khu vực lân cận Arkhangelsk, một động thái mà người dân khu tự trị này tin rằng sẽ khiến họ nghèo hơn vì bị tước đi những hỗ trợ tài chính đặc biệt.

Một bản phác thảo kế hoạch này đã được các thống đốc khu vực ký vào ngày 13 tháng Năm. Cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này vào tháng 9 đã bị hủy bỏ nhưng người dân địa phương vẫn cảnh giác cao độ.

Việc người dân khu tự trị Nenets bỏ phiếu chống lại những thay đổi của hiến pháp là một cách thể thiện sự phản đối. Họ muốn dùng cách này để thu hút sự chú ý của chính quyền ở Moscow và muốn nói rằng chúng tôi cũng có ý kiến riêng của mình. Tatyana Antipina - một nữ doanh nhân địa phương - cho biết. Cô Antipina đã tới Moscow trong tuần này để gửi đơn thỉnh cầu tới Điện Kremlin với hơn 15.000 chữ ký phản đối kế hoạch sáp nhập này.

Phát ngôn viên của điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói rằng các cử tri trong khu vực có quyền bỏ phiếu chống những thay đổi của hiến pháp, nhưng họ là nhóm người thiểu số nên không thể thay đổi được kết quả của cuộc bỏ phiếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu vực duy nhất nói “không” với Putin trong cuộc bỏ phiếu cho những thay đổi trong hiến pháp