Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF có thể tạo ra cuộc khủng hoảng về kiểm soát vũ khí hạt nhân nguy hiểm nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Mới đây, ông Daryl Kimball - người đứng đầu Hiệp Hội kiểm soát vũ khí (ACA) có trụ sở tại Mỹ cho biết, nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga thì điều này có thể tạo ra cuộc khủng hoảng về kiểm soát vũ khí hạt nhân nguy hiểm nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Hãng tin Sputnik dẫn lời ông Daryl Kimball cho biết, việc phá vỡ thỏa thuận INF và tương lai không chắc chắn của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Điều quan trọng hiện nay là phải đưa cuộc đối thoại về kiểm soát vũ khí nghiêm túc giữa Nga và Mỹ trở lại đúng hướng. Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Putin nên nhất trí khởi động lại cuộc đối thoại ổn định chiến lược đã bị đình trệ, đồng thời cam kết đạt được một thỏa thuận gia hạn Hiệp ước News START.
Người đứng đầu Hiệp Hội kiểm soát vũ khí (ACA) Daryl Kimball
Ông Daryl Kimball nhận định, nếu không có INF, Hiệp ước New START sẽ là hiệp ước còn lại duy nhất kiểm soát hoạt động của hai cường quốc có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Tuy nhiên theo ông, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, người đã đến Moscow vào ngày 21/10 vừa qua để đối thoại với các nhà lãnh đạo Nga lại đang cố gắng phá vỡ Hiệp ước này.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov hy vọng ông Bolton sẽ đưa ra lời giải thích rõ ràng về các ý định của Mỹ và các bước tiếp theo liên quan đến Hiệp ước này.
Phản ứng trước việc Tổng thống Trump muốn rút khỏi Hiệp ước INF, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh cho biết, Hiệp ước INF là một tài liệu rất quan trọng về kiểm soát vũ khí, được ký kết giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Việc Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp ước INF sẽ có tác động tiêu cực đa phương.
Phía Nhật Bản cũng hy vọng Mỹ cân nhắc lại kế hoạch rút khỏi INF. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hy vọng Mỹ sẽ cân nhắc lại kế hoạch rút khỏi hiệp ước vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh với Nga.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Suga cho biết, việc Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) là điều không mong muốn và Nhật Bản hy vọng Mỹ sẽ tránh đưa ra quyết định. Đại diện chính phủ Nhật Bản cho biết thêm, Tokyo sẽ tìm cách trao đổi quan điểm về vấn đề này với phía Washington.