Chính biến Sudan: Đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực

Trâm Anh| 17/07/2019 18:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 17/7, Hội đồng quân sự chuyển tiếp đang nắm quyền ở Sudan và Các lực lượng Tự do và Thay đổi đã ký một thỏa thuận chia sẻ quyền lực.

Thỏa thuận này là một trong hai văn kiện liên quan đến vấn đề chia sẻ quyền lực tại Sudan mà các nhà hoạt động hi vọng rằng sẽ mở đường cho việc thành lập một chính quyền dân sự ở quốc gia Đông Phi này.

Chính biến Sudan: Đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực

Người dân vui mừng hò reo trên đường phố thủ đô Khartoum sau khi Hội đồng quân sự chuyển tiếp và Các lực lượng Tự do và Thay đổi thông báo họ đã đạt được thỏa thuận

Hai bên đã nhất trí thông qua một văn bản thỏa thuận có tên "Tuyên bố chính trị", sau cuộc thương lượng căng thẳng suốt đêm về từng chi tiết nhỏ của thỏa thuận. Thỏa thuận đã được ký tại Khartoum dưới sự chứng kiến của các nhà hòa giải trung gian Ethiopia và Liên minh châu Phi. Hai bên sẽ tiếp tục làm việc để nhất trí về một tuyên bố hiến pháp, dự kiến ký kết vào ngày 19/7.

Phó Chủ tịch Hội đồng chuyển tiếp, ông Mohamed Hamdan Dagalo, người đã đại diện cho các tướng lĩnh ký vào thỏa thuận, nhận định đây là một "thời khắc lịch sử" đối với Sudan. Ibrahim al-Amin – một lãnh đạo của Các lực lượng Tự do và Thay đổi - cho biết: “Hôm nay, chúng tôi đã hoàn tất tuyên bố chính trị. Còn văn kiện hiến pháp chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán vào ngày 19/7 tới”.

Tuyên bố Chính trị bao gồm các nội dung liên quan đến việc thành lập ba cơ quan: Hội đồng Chủ quyền, Chính phủ và Hội đồng Lập pháp. Ngoài ra, tuyên bố cũng đề cập đến các nhiệm vụ trong giai đoạn chuyển tiếp như vấn đề hòa bình, cải cách kinh tế và cứu trợ nhân đạo. Một trong những điểm quan trọng nhất trong văn kiện chính trị nói trên là số lượng thành viên của Hội đồng Chủ quyền gồm 11 thành viên. Mỗi bên sẽ chỉ định 5 thành viên và thành viên thứ 11 do cả hai đồng thuận. Ban đầu, Hội đồng quân sự chuyển tiếp đề xuất thành viên thứ 11 nên là một cựu quân nhân nhưng Các lực lượng Tự do và Thay đổi đã không nhất trí điều này. Kết quả cuối cùng, Hội đồng Chủ quyền sẽ gồm 6 dân thường và 5 quân nhân.

Tuyên bố Chính trị cũng nhất trí thành lập cơ chế Chủ tịch luân phiên. Theo đó, Hội đồng quân sự sẽ bổ nhiệm một chủ tịch của Hội đồng Chủ quyền giữ chức vụ trong vòng 21 tháng, tiếp theo đó là chủ tịch do Các lực lượng Tự do và Thay đổi bổ nhiệm giữ chức vụ trong vòng 18 tháng còn lại.

Trước đó, ngày 5/7, Hội đồng quân sự chuyển tiếp và Các lực lượng Tự do và Thay đổi đã đạt một thỏa thuận chia sẻ quyền lực trong giai đoạn chuyển tiếp, theo đó hai bên nhất trí "thành lập một hội đồng lãnh đạo luân phiên giữa quân đội và phía dân sự trong giai đoạn 3 năm hoặc hơn". Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí thành lập một chính phủ kỹ trị độc lập và tiến hành một cuộc điều tra minh bạch, độc lập về các vụ bạo lực nhằm vào dân thường trong những tuần vừa qua.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính biến Sudan: Đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực