Chấp nhận buông xuôi, “bà đầm thép” Merkel đẩy nhanh sức nóng khủng hoảng của EU

Hà Kim (Theo Reuters)| 25/06/2018 16:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một lần nữa vấn đề nhập cư lại khiến EU đứng trước nguy cơ khủng hoảng nội khối, một vài nước lâm vào tình trạng căng thẳng chính trị nội bộ. Ở thời điểm hiện nay, Đức là một ví dụ điển hình.

Hôm qua 24/6, các nhà lãnh đạo của 16 nước EU đã tham dự một hội nghị thượng đỉnh không chính thức về vấn đề nhập cư tại Brussels (Bỉ), với hy vọng các cuộc thảo luận cấp cao có thể giúp mở đường cho một hội nghị thượng đỉnh toàn diện của EU, sẽ diễn ra vào ngày 28 - 29 sắp tới.

Phát biểu trước thềm hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận, EU đang đối mặt với một cuộc "khủng hoảng chính trị” về vấn đề nhập cư. Ông Macron cho biết, những kế hoạch phát triển tại EU cần phải được xây dựng dựa trên sự hợp tác giữa các quốc gia, đòi hỏi trách nhiệm và sự đoàn kết nhằm chia sẻ gánh nặng mà một vài nước đã trải qua.

Đề cập tới tình hình chính trị căng thẳng tại Đức, các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng, hội nghị thượng đỉnh lần này không phải bàn về việc liệu bà Merkel có còn làm Thủ tướng nữa hay không, mà là về những vấn đề châu Âu cần phải giải quyết.

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte cho biết, cần thiết lập “những trung tâm bảo hộ quốc tế” có nhiệm vụ xem xét các yêu cầu tị nạn. Nó cũng tìm kiếm thêm sự hỗ trợ từ EU để giúp lực lượng phòng vệ bờ biển Libya có thể kiểm soát các bờ biển hiệu quả hơn nhằm ngăn cản các tàu nhập cư khởi hành.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thì cho rằng, cần thực hiện các nghĩa vụ đối với EU trong vấn đề nhập cư và sẵn sàng cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng. Tuy nhiên, Madrid cũng bày tỏ kỳ vọng về một châu Âu thống nhất.

Còn theo Thủ tướng Bỉ Charles Michel, các nước EU cần phải thực hiện các biện pháp kiểm soát thực sự và cứng rắn tại các biên giới ngoài khối. Trong khi đó, Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen chia sẻ, EU đã chuyển hướng trọng tâm từ nỗ lực sắp xếp cho người tìm kiếm tị nạn trong toàn khối, sang việc thiết lập sự hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia “quê hương” của người nhập cư, như các nước nước châu Phi nhằm kiểm soát dòng nhập cư.

Chấp nhận buông xuôi, “bà đầm thép” Merkel đẩy nhanh sức nóng khủng hoảng của EU

Liệu “bà đầm thép” Merkel có tạo được sự đột phá giúp EU thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhập cư? 

Cho đến hiện tại, EU vẫn đang đối mặt với những chia rẽ chính trị lớn về cách đối phó của từng thành viên trước làn sóng nhập cư và người tị nạn bắt đầu từ năm 2015.

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã phải hứng chịu những chỉ trích từ Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer, đồng thời là lãnh đạo Đảng CSU. Ông Seehofer đặt ra thời hạn ngày 1/7 để bà Merkel đạt được những thoả thuận riêng rẽ với các láng giềng EU, nhằm cho phép Berlin từ chối nhận những người tị nạn đã đăng ký tại một nước EU khác. Nếu không, chính phủ Đức sẽ đứng trước nguy cơ bị tan rã sau chưa đầy hai tháng thành lập.

Lời đe doạ của ông Seehofer đã buộc bà Merkel phải mau chóng hành động và cho thấy lời hứa của bà Merkel là điều bà không hẳn mong muốn và có thể sẽ không thực hiện được việc đạt một loạt các thoả thuận tị nạn song phương với các quốc gia EU khác trước khi diễn hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 28/6 tới.

Đi theo con đường song phương là trái với mục tiêu mà Thủ tướng Merkel đã tuyên bố từ ngày đầu của cuộc khủng hoảng di trú vào năm 2015, đó là tìm ra một giải pháp chung của EU thay vì đạt thoả thuận với từng nước.

Trong khi đó, lòng nhiệt tình tiếp nhận trên một triệu người tị nạn của Đức trong ba năm qua đã thuyên giảm. Theo kết quả thăm dò ý kiến Deutschlandtrend gần đây do cơ quan truyền thanh ARD tiến hành, khoảng 86% người Đức muốn mau chóng hồi hương người nhập cư bị từ chối đơn xin tị nạn và 62% phản đối tiếp nhận người nhập cư không có giấy tờ.

Chính điều này khiến ông Seehofer, một đối tác liên minh không còn nhiệt thành của bà Merkel, cảm thấy cần phải lên tiếng và điều này chỉ càng làm khắc sâu cuộc khủng hoảng chính trị tại Đức.

Cả SPD và CSU đều đồng quan điểm cho rằng, nếu tình trạng “du lịch tị nạn” vẫn tiếp diễn có nghĩa là chính phủ liên minh của bà Merkel đang tiến gần đến kết thúc trò chơi khi nói về sự tín nhiệm. Và không có gì là ngạc nhiên khi CSU cho rằng bà Merkel gây ra mối đe doạ lớn mà đảng này sẽ vấp phải trong cuộc bầu cử bang Bavaria vào tháng 10 tới.

Đối với giới phê bình, cuộc khủng hoảng di trú là một vụ việc tương tự tiếp theo, thậm chí có tác động lớn hơn đối với sự ủng hộ công chúng đối với CDU và CSU.

Hiện, các chính trị gia trong nội bộ CDU đang cố gắng làm dịu tình hình căng thẳng và cho rằng sự sụp đổ của liên minh là khó thể xảy ra. Đồng thời, tổng thư ký của CDU đã gửi một tâm thư đến các đảng viên kêu gọi họ hãy trung thành  và nhấn mạnh rằng chiến lược của bà Merkel là nhằm làm điều đúng đắn cho châu Âu.

Một số người hoài nghi cho rằng, ông Seehofer đang hành động vì cơn giận dữ bốc đồng hơn là lắng nghe theo lý lẽ. Song những người khác tỏ ra cảm thông hơn với ông Seehofer.

Ở cấp độ châu Âu, nếu nước Đức đơn phương thực thi các chính sách cứng rắn như ông Seehofer đe doạ thì gần như chắc chắn sẽ dẫn đến một hiệu ứng domino là các nước khác cũng sẽ làm tương tự, và khi đó thì vấn đề người tị nạn sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của Liên minh châu Âu, có thể dẫn đến các thảm kịch nhân đạo cũng như các cuộc khủng hoảng xã hội nghiêm trọng.

Vì vậy, nhiệm vụ cấp thiết của bà Merkel bây giờ là phải tìm được một thoả thuận với các thành viên khác của Liên minh châu Âu trong thời hạn 2 tuần. Đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn bởi trong suốt 3 năm qua Liên minh châu Âu vẫn bế tắc trong vấn đề này, nên 2 tuần là thời gian quá ngắn để có thể có được một sự đột phá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chấp nhận buông xuôi, “bà đầm thép” Merkel đẩy nhanh sức nóng khủng hoảng của EU