Để hỗ trợ ngành công nghiệp dầu khí, một trong những lĩnh vực kinh tế then chốt, chính phủ nhiều nước đã có những động thái quyết liệt vực dậy giá dầu, tạo nguồn lực cho các doanh nghiệp dầu khí giảm thiểu khó khăn.
Trước tác động mạnh của cuộc “khủng hoảng kép” do dịch Covid-19 và giá dầu xuống thấp, nhiều công ty dầu khí quốc tế lớn đã phải áp dụng phương án tạm ngừng sản xuất, cắt giảm đầu tư, hoặc đóng mỏ, cắt giảm nhân sự... và thậm chí là sa thải công nhân, tuyên bố phá sản. Trước thực tế đó, để hỗ trợ ngành công nghiệp dầu khí, một trong những lĩnh vực kinh tế then chốt, mang tính chiến lược, có ảnh hưởng to lớn đến vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, chính phủ nhiều nước đã có những động thái quyết liệt nhằm vực dậy giá dầu, tạo nguồn lực cho các doanh nghiệp dầu khí giảm thiểu khó khăn thông qua các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế...
Dịch Covid-19 đang lan rộng và tác động nặng nề đến hầu hết các nền kinh tế, chuỗi cung ứng hàng hoá, sản xuất bị gián đoạn, đứt gãy khi nhiều quốc gia thực hiện các biện pháp phong toả, cách ly nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Viễn cảnh về một cuộc suy thoái, khủng hoảng liên tục được phát đi ở những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Anh, Italy, Đức... Theo đánh giá ban đầu, dưới tác động của dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 dự báo chỉ đạt mức 2,2 - 2,8% so với dự báo ban đầu là 3,3% (theo cảnh báo từ IMF, Bank of America, OECD,…). Và nếu tình trạng dịch bệnh Covid-19 không kiểm soát được tại các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... thì kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng hết sức nghiêm trọng và mức tăng trưởng dự kiến chỉ đạt 1,5%, thậm chí là có thể rơi vào suy thoái.
Giàn khoan ở Nhenhetxki (Liên bang Nga).
Tăng trưởng kinh tế chậm lại đồng nghĩa với nhu cầu năng lượng, trong đó có dầu thô, sẽ giảm khi mà nhu cầu đi lại, hoạt động giao thông vận tải gần như giảm về 0, và các hoạt động sản xuất công nghiệp đình trệ tới mức tối thiểu do chính phủ nhiều nước quyết định đóng cửa biên giới, một nửa dân cư trên trái đất bị phong toả, được yêu cầu ở nhà... Hệ luỵ của việc này là giá dầu thế giới từ đầu năm đến nay liên tục đi xuống do nhu cầu giảm mạnh. Chỉ trong 3 tháng, tính từ ngày 2/1/2020 đến ngày 17/4, dầu WTI đã mất đến 70% giá trị.
Khi sức ép từ giảm giá vẫn đè nặng lên dầu thô do nhu cầu thị trường thì thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa OPEC và Nga không đạt được kết quả, cùng với đó các bên đều công bố gia tăng sản lượng sản xuất, chấp nhận giảm giá, đã giáng một đòn mạnh vào thị trường dầu khí, khiến giá dầu lao dốc, trượt sâu về mức thấp nhất trong vòng 18 năm qua.
Trong vòng xoáy khủng hoảng, suy thoái đó, mọi hình thức hoạt động liên quan đến chuỗi giá trị dầu khí đều chịu tác động nặng nề. Tình trạng tồn kho liên tục tăng do sản phẩm làm ra không bán được, các dự án đầu tư bị “đóng băng”, thậm chí nguy cơ mất cân đối tài chính dẫn tới phá sản... đã diễn ra. Để ứng phó với tác động tiêu cực như trên, nhiều công ty dầu khí quốc tế lớn đã phải tính đến các phương án tạm ngừng sản xuất, cắt giảm đầu tư, giảm hoặc cắt giảm cổ tức, bán tài sản, đóng mỏ, cắt giảm nhân sự... và thậm chí là sa thải nhân công, tuyên bố phá sản.
Đại gia dầu khí ExxonMobil ngày 7/4 đã đưa tuyên bố sẽ cắt giảm ngân sách đầu tư 30%, nhất là trong việc thăm dò và khoan giếng mới. Tập đoàn này cũng đang hoãn quyết định đầu tư vào dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mozambique và đầu tư vào Guyana, một quốc gia nằm ở phía bắc Brazil, nơi một liên doanh do ExxonMobil dẫn đầu đã phát hiện một trong những mỏ dầu lớn nhất trong những năm gần đây. Theo Andy Lipow thuộc Lipow Oil Associates, ExxonMobil là công ty dầu mỏ lớn cuối cùng tuyên bố cắt giảm ngân sách, vì ở mức giá dầu thấp như hiện nay, kế hoạch chi tiêu mà ExxonMobil đưa ra trước đó là không khả thi.
Trước đó, BP, Chevron, Royal Dutch Shell và Saudi Aramco đều đã giảm các khoản đầu tư trong phạm vi từ 20% đến 25%.
Một ví dụ điển hình gần đây là công ty dịch vụ dầu khí khổng lồ Schlumberger. Trong báo cáo ngày 17/4, công ty đa quốc gia có trụ sở tại Houston (Texas, miền Nam Hoa Kỳ) này cho biết đã lỗ ròng 7,38 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm nay, do bị thiệt hại 8,5 tỷ USD từ tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành năng lượng.
Hay như Total, một trong những công ty dầu khí hàng đầu của Pháp, cho biết đã giảm hơn 3 tỉ USD các khoản đầu tư và sẽ cắt giảm đầu tư dưới 15 tỉ USD trong năm nay, tương đương giảm 20%, đồng thời sẽ tăng gấp đôi kế hoạch tiết kiệm, từ 400 lên 800 triệu euro và tạm ngưng kế hoạch mua lại cổ phần.
Trong một thông điệp gửi đến các nhân viên của Total, CEO Patrick Pouyanné cho biết: Ngân sách năm 2020 dự tính giá mỗi thùng dầu phải trên 60 USD, tuy nhiên, gần đây giá dầu đã giảm xuống dưới 35 USD/thùng. Nếu tình hình này tiếp tục diễn ra trong suốt năm thì Total sẽ lỗ 9 tỉ USD. Và để bù đắp cho sự thua lỗ, Total cần cắt giảm hơn 5 tỉ USD bằng các biện pháp: Cắt giảm 3,3 tỉ USD đầu tư (chủ yếu hỗ trợ cho lĩnh vực thăm dò, sản xuất); 0,4 tỉ USD chi phí hoạt động và 1,5 tỉ USD tạm ngưng dự án mua lại cổ phần. Ông Pouyanné cũng tuyên bố “đóng băng ngay lập tức” đối với việc tuyển dụng, ngoại trừ các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng mới và kỹ thuật số.
Trong khi đó, xét trên quy mô nhỏ hơn, các doanh nghiệp dầu mỏ cũng đang bị tổn thương. Tập đoàn sản xuất dầu thô lớn nhất ở Bắc Dakota, Mỹ, Whiting (Whiting Oil Corporation) với doanh thu hơn 2 tỷ USD/năm đã phải nộp đơn phá sản hôm 1/4. Theo đó, Whiting sẽ chuyển nhượng 97% cổ phần của mình cho các chủ nợ để giảm nợ 2,2 tỷ USD. Tính đến 31/12/2019, Whiting có khoản nợ 2,8 tỷ USD và 585 triệu USD tiền mặt trên bảng cân đối kế toán. Vốn hóa thị trường của hãng đã giảm xuống còn 32 triệu USD so với mức kỷ lục 15 tỷ USD năm 2011. Năm 2019, sản lượng khai thác của hãng đạt trung bình 125.000 thùng dầu quy đổi/ngày.
Để đối phó với sự sụt giảm đáng kể và đột ngột trong hoạt động của các khách hàng dầu khí, Tập đoàn Vallourec chuyên cung cấp các giải pháp đường ống cao cấp cho thị trường năng lượng, hoạt động tại hơn 20 quốc gia với 19.000 nhân viên, hôm 6/4 đã tuyên bố cắt giảm 900 việc làm ở Bắc Mỹ.
Bức tranh dầu khí thực sự đang rất khó khăn và theo Giám đốc điều hành công ty Pioneer Natural Resources, Scott D. Sheffield khi trao đổi với tờ Thời báo phố Wall thì tình trạng này có thể sẽ còn kéo dài và nặng nề hơn. "Có lẽ 50% các công ty thăm dò và khai thác dầu khí (E&P) niêm yết sẽ phá sản trong vòng hai năm tới", Sheffield cho hay.
Được biết, ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ hiện phải chịu khoản nợ hơn 200 tỷ USD được thế chấp bằng nguồn dự trữ dầu khí. Nhiều doanh nghiệp dầu khí Mỹ cho hay, họ không còn khả năng trả nợ trong bối cảnh doanh thu giảm mạnh và tài sản mất giá trị. Một số tổ chức tín dụng lớn ở Mỹ được cho là đang đẩy nhanh quá trình tịch thu tài sản của các công ty dầu mỏ để tránh thua lỗ và nợ xấu.
Ngành công nghiệp dầu khí toàn cầu có thể nói đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử. Và khác với các cuộc khủng hoảng trước đó, cuộc khủng hoảng dầu khí hiện nay đang từ đồng thời 2 phía cung và cầu. Cầu sụt giảm nhanh và cung trên thị trường lại dư thừa, thậm chí có nguy cơ bùng nổ khi cuộc chiến dầu khí xảy ra.
Giàn khoan PVD tại sa mạc Sahara.
Dầu khí là một loại hàng hóa chiến lược, hiện vẫn đang chi phối gần như toàn bộ mọi hoạt động kinh tế - xã hội, có ảnh hưởng to lớn đến vấn đề an ninh năng lượng. Nó vừa là nguồn năng lượng chủ yếu, vừa là nguồn nguyên liệu quan trọng của công nghiệp hóa chất, vừa là nguồn tài chính của các quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên quý giá này cũng như làm chủ các hoạt động thương mại, dịch vụ liên quan đến dầu khí. Do đó, khủng hoảng giá dầu không chỉ tác động đến các công ty dầu khí các nước mà cả đến các quốc gia, vùng lãnh thổ, thậm chí đến từng khu vực địa lý, từng lĩnh vực hoạt động dầu khí trong từng giai đoạn ngắn hoặc dài rất khác nhau.
Vậy nên khi các hoạt động dầu khí gặp khó khăn, nhiều quốc gia có hoạt động dầu khí cũng bị ảnh hưởng, buộc phải tính toán đến việc cắt giảm chi tiêu ngân sách. Và cũng chính vì vậy, nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp dầu khí giảm thiểu khó khăn, kịp thời nắm bắt cơ hội trong khủng hoảng đã được chính phủ nhiều nước triển khai thực hiện.
Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ tăng giới hạn cho vay theo gói kích thích kinh tế và cấm các tổ chức cho vay phân biệt đối xử với các doanh nghiệp dầu mỏ. Theo Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette, Washington sẽ tháo gỡ khủng hoảng tiền mặt đang ngày càng nghiêm trọng của ngành khai thác dầu mỏ bằng việc tăng giới hạn cho vay theo gói kích thích kinh tế, cũng như cấm các tổ chức cho vay phân biệt đối xử với doanh nghiệp dầu mỏ.
Các biện pháp nhằm “hạ nhiệt” cơn khát tiền mặt của ngành dầu mỏ Mỹ được đưa ra trong bối cảnh các doanh nghiệp dầu đá phiến từ bang Texas đến Utah đang đứng trước nguy cơ phá sản do giá dầu giảm sâu và nhu cầu dầu toàn cầu sụt giảm nghiệm trọng vì đại dịch Covid-19. “Chúng tôi chỉ muốn đảm bảo rằng các ngân hàng không phân biệt đối xử cho vay”, người đứng đầu ngành năng lượng Mỹ nhấn mạnh.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng đã công bố kế hoạch giúp ngành năng lượng, bị ảnh hưởng nặng nề bởi cả cuộc khủng hoảng do coronavirus và sự sụp đổ của giá dầu. Theo đó, Ottawa sẽ giải ngân 1,7 tỷ USD Canada (1,1 tỷ euro) để giúp làm sạch các giếng dầu hoặc khí đốt không hoạt động hoặc bị bỏ hoang ở ba tỉnh có dầu phía Tây của đất nước (tỉnh Alberta, Saskatchewan và Colombia -British). Chính phủ Canada cũng sẽ lập một quỹ trị giá 750 triệu USD để giúp các doanh nghiệp giảm lượng khí thải, bao gồm cả khí mê-tan. Mục tiêu của các biện pháp này là "tạo việc làm ngay lập tức ở các tỉnh này, đồng thời giúp các công ty tránh phá sản và hỗ trợ các mục tiêu môi trường của chúng tôi", Thủ tướng Trudeau giải thích.
Trong khi một số quốc gia khác như Nga, Indonesia cũng ban hành lệnh ngưng nhập khẩu xăng để bảo vệ sản xuất trong nước. Còn Trung Quốc đã ban hành những chính sách hỗ trợ các nhà máy lọc dầu gia tăng công suất hoạt động, tiêu thụ trong nước, bổ sung xăng dầu dự trữ quốc gia, tận dụng thời điểm giá dầu giảm sốc…
Sau khi chứng kiến giá dầu liên tục sụt giảm mạnh với nhiều nguy cơ kéo theo, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chính phủ các nước sản xuất dầu mỏ, kể cả khi Nga và Arab Saudi đang trong “chiến tranh”, đã một lần nữa gác lại những mâu thuẫn để ngồi lại với nhau tìm giải pháp chặn đứng sự “diệt vong” của ngành công nghiệp dầu khí. Và ngày 12/4, OPEC+ (một tổ chức tập hợp 14 quốc gia OPEC và 10 quốc gia sản xuất khác, bao gồm Nga, Mexico và Kazakhstan) đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Các nước OPEC+ đồng ý giảm 9,7 triệu thùng/ngày tích lũy từ ngày 1/5 đến 30/6/2020, rồi giảm tiếp 7,7 triệu thùng/ ngày từ tháng 7 đến hết năm 2020, cuối cùng giảm thêm 5,7 triệu thùng/ ngày từ tháng 1/2021 đến tháng 5/2022…
Toàn cầu hoá đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các nền kinh tế, hình thành nên các chuỗi cung ứng mà ở đó, mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ cũng có thể chỉ là một mắt xích. Độ mở của các nền kinh tế càng lớn, mức độ tham gia các chuỗi cung ứng càng cao, khả năng liên thông với các nền kinh tế khác càng rộng sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Nhưng ở chiều hướng khác, khi kinh tế lâm cảnh suy thoái, khủng hoảng, các chuỗi cung ứng bị phá vỡ thì mức độ tổn thương sẽ càng lớn hơn. Và trong cuộc khủng hoảng đó, ngành công nghiệp dầu khí có thể nói là ngành, lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất khi mà hầu hết các sản phẩm chính của lĩnh vực này đều là đầu vào của các ngành, lĩnh vực khác của các nền kinh tế. Đó là thực tế mà các công ty, tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới đang phải đối diện.
Trước cơn bão “khủng hoảng kép” này, cả 5 lĩnh vực hoạt động cốt lõi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đều đang phải hứng chịu vô vàn khó khăn, thách thức, thậm chí phải đối diện với nhiều nguy cơ… Và để ứng phó, Petrovietnam đã chủ động đưa ra các dự báo, xây dựng các phương án và đề ra các giải pháp cụ thể, cả trong ngắn hạn và dài hạn. Thậm chí trong cả những thời điểm nhất định, khi thị trường có biến động, Petrovietnam đều có sự hợp bàn, thống nhất biện pháp tháo gỡ.
Petrovietnam và các doanh nghiêp trực thuộc đã khẩn trương xây dựng phương án nhằm quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời kỳ dịch Covid-19 một cách an toàn, không để gián đoạn; rà soát công việc, tăng cường quản trị, triển khai các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí và nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đưa ra các kịch bản đối phó với từng tình huống giá dầu xuống thấp nhất, thậm chí là kịch bản xấu nhất như buộc phải dừng hoạt động các mỏ, nhà máy lọc dầu... Petrovietnam cũng yêu cầu các đơn vị trong Tập đoàn tăng cường chia sẻ thông tin, nguồn lực, thị trường... nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động trong cả chuỗi giá trị của Tập đoàn; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước có ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản phẩm của đơn vị mình cung cấp nhằm tháo gỡ thị trường, tối ưu nguồn lực của các bên để cùng cộng sinh vượt qua các khó khăn hiện tại.
Nhưng khác với các công ty dầu khí quốc tế khác, do cơ chế quản lý có tính đặc thù riêng, Petrovietnam không có đủ nguồn lực cũng như cơ chế thuận lợi để chủ động trong việc triển khai các giải pháp ứng phó trong "khủng hoảng kép" hiện nay. Những phương án mà các công ty dầu khí quốc tế chủ động đưa ra để đối phó với tình trạng khẩn cấp thì Petrovietnam cũng khó có thể áp dụng được. Hơn nữa, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, chính sách chưa được tháo gỡ trong một thời gian dài… gây cản trở không nhỏ đối với sự tồn tại, phát triển của Tập đoàn.
Từ câu chuyện ứng xử với ngành công nghiệp dầu khí thế giới trong “khủng hoảng kép” bởi dịch Covid-19 và giá dầu xuống thấp, thiết nghĩ, đã đến lúc Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, trong tình huống khẩn cấp cần phải có những giải pháp khẩn cấp, quyết liệt hơn, cụ thể hơn trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà ngành Dầu khí đang phải đối diện.
Giữ cho hoạt động ổn định, đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài của ngành Dầu khí là bước đi cần thiết đảm bảo cho phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian tới.