London đã chia sẻ các thông tin tình báo ở những mức độ “chưa từng thấy” với các đối tác kể từ khi vụ cựu điệp viên Nga hai mang Sergei Skripal bị đầu độc, dẫn tới phản ứng cực độ từ nhiều chính quyền trên khắp thế giới.
Theo AFP, một quan chức cấp cao của Chính phủ Anh ngày 27/3 cho biết, nước này đã chia sẻ các thông tin tình báo ở "những cấp độ chưa từng thấy" về vụ cựu điệp viên Nga hai mang Sergei Skripal bị đầu độc, theo đó dẫn đến việc ít nhất 25 quốc gia trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Vào ngày 26/3, Chính phủ Mỹ cũng công bố quyết định trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga và đóng Tổng lãnh sự quán Nga tại Seattle nhằm trừng phạt Nga liên quan tới vụ cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái ông này bị đầu độc ở Salisbury, Anh. Hiện, gần 150 cá nhân bị nghi là tình báo Nga đã bị trục xuất trên khắp thế giới, trong đó có 23 người bị yêu cầu rời khỏi Anh.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson
Ngày 27/3, Nga tiếp tục đối mặt làn sóng trục xuất khi 7 nhân viên ngoại giao nước này tiếp tục bị NATO thu hồi giấy phép. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 27/3 thông báo, quyết định trục xuất 7 nhân viên phái đoàn Nga tại khối liên minh quân sự này. Ngoài ra, NATO cũng giảm quy mô tối đa của phái đoàn Nga tại liên minh từ 30 người xuống còn 20 người.
Động thái này của NATO cũng nhằm đáp trả vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal cùng con gái bị đầu độc tại Salisbury, Anh hôm 4/3. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, Nga đã đánh giá thấp sự đoàn kết của các đồng minh NATO, đồng thời nhấn mạnh rằng các vụ trục xuất đồng loạt này sẽ làm suy giảm đáng kể khả năng hoạt động tình báo của Nga ở các nước thành viên NATO cũng như ở những quốc gia đã trục xuất nhà ngoại giao Nga.
Dù vậy, vị tổng thư ký NATO khẳng định liên minh quân sự này vẫn duy trì các cuộc đối thoại thường kỳ với Nga thông qua Hội đồng Nga - NATO, một diễn đàn đặc biệt quy tụ các đặc phái viên NATO và các đại sứ của Nga tại NATO.