Thể chế, bộ máy nhân sự cần phải có sự đột phá mạnh mẽ trong nhiệm kỳ tới

Quốc Huy| 29/03/2021 18:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là mong muốn của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ chiều 29/3.

Cải cách thể chế, dân chủ trên mọi lĩnh vực

Thảo luận về báo cáo nhiệm kỳ qua, đại biểu Lê Thanh Vân - Cà Mau cho rằng, nhiệm kỳ này là một Chính phủ có khát vọng vì một Việt Nam hùng cường với hình ảnh của một vị Thủ tướng xông xáo, năng động. Tính chủ động, chủ công của Chính phủ được thể hiện rất nổi bật trong phòng chống đại dịch COVID-19. Chính vì vậy, trong bối cảnh thế giới đang lúng túng ứng phó với đại dịch thì Việt Nam đã có những cách thức chống dịch rất đặc biệt, tự chủ, tự lực và đạt hiệu quả cao.

van-.jpg
Đại biểu Lê Thanh Vân-Cà Mau

Xuất phát điểm như vậy, đại biểu đề nghị trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ cần quan tâm đến 3 vấn đề:

Thứ nhất là tăng cường xây dựng thể chế, đặc biệt là công tác nhân sự và coi đây là khâu đột phá. Thể chế, bộ máy tổ chức nhân sự cần phải có đột phá trong tổ chức cải cách bộ máy hành chính, nhằm đạt được những kết quả rõ nét, đặc biệt trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo điều hành.

Thứ hai là Chính phủ cần quan tâm, phát huy dân chủ trên mọi lĩnh vực, trong đó cần coi trọng đặc biệt công tác phát hiện, phát huy và trọng dụng nhân tài với tầm nhìn dài hạn; huy động được các nguồn lực xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Thứ ba là Chính phủ cần quan tâm, củng cố các quan hệ đạo đức văn hóa, xã hội, phậm chí pháp điển hóa để xử lý, giải quyết căn cơ tình trạng xuống cấp về đạo đức, văn hóa, lối sống như một số bộ phận như hiện nay.

Theo đại biểu Đỗ Thị Lan- Quảng Ninh: Thực tế, thời gian qua có luật ban hành nhưng tính khả thi chưa cao, do có quy định vướng mắc sau khi luật có hiệu lực, vì không đảm bảo các điều kiện thực hiện hoặc còn có điểm không còn phù hợp với thực tiễn. Nguyên nhân là do chưa đánh giá đủ tác động của chính sách về kinh tế - xã hội, bao gồm cả điều kiện, nguồn lực thực hiện; thời gian gấp nên việc lấy ý kiến thẩm định dự án chưa kỹ lưỡng.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ trì soạn thảo, thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo chất lượng, tiến độ của các dự án trước khi trình Quốc hội; Sớm xây dựng và trình Quốc hội dự án Luật Đất đai, Luật Biển Việt Nam (sửa đổi); tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong quản lý nhà nước về đất công. Đồng thời, có cơ chế chính sách, giải pháp phù hợp để giảm thiểu đơn, thư khiếu nại, tố cáo về đền bù, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất…

kim-be.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé-Kiên Giang

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé- Kiên Giang đề nghị Chính phủ lưu ý 2 lĩnh vực cần khắc phục trong thời gian tới. Trước hết là công tác xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn những vấn đề cần khắc phục, nhất là việc xin bổ sung dự án luật rồi lại xin lùi, xin rút; việc chuẩn bị một số dự án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đáp ứng được yêu cầu. Đại biểu kiến nghị Quốc hội khóa XV cần quyết liệt thực hiện các giải pháp mà báo cáo nêu ra để khắc phục những bất cập trong lĩnh vực này.

Nâng cao năng lực cán bộ gắn với kiểm soát quyền lực

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng hoạt động quản lý, điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải luôn sâu sát thực tế tình hình, tận dụng thời cơ tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp; chủ động rà soát, tháo gỡ thể chế, chủ động xây dựng các thể chế, chính sách pháp luật, khơi thông nguồn lực tại chỗ, phục vụ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Cùng với đó là phải tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác đối mới thể chế, xậy dựng pháp luật; đổi mới mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp. Phát triển công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản còn hạn chế.

Đại biểu đề nghị, trong nhiệm kỳ tới Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, phân định rõ chức năng nhiệm vụ các bộ, cơ quan ngang bộ, khắc phục tình trạng chồng chéo, đảm bảo quản lý thống nhất nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực. Đề cao tinh thần trách nhiệm của các bộ ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực.

Xây dựng, phát triển kinh tế vùng, liên vùng theo hướng tích hợp đa ngành, hình thành chuỗi giá trị, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng, liên kết vùng. Quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến giao thông đường bộ kết nối huyết mạch, phát triển các dự án hạ tầng đa mục tiêu có tính chất liên vùng, tác động tích cực. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững nâng cao giá trị hàng hóa nông nghiệp, xuất khẩu nông sản khắc phục tình trạng được mùa mất giá. Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo…

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) khẳng định: Trong nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước đã thể hiện xuất sắc vai trò nguyên thủ quốc gia, thay mặt nhà nước về đối nội, đối ngoại và là biểu tượng của niềm tin, đoàn kết toàn dân tộc. Mỗi khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước xuất hiện ở đâu, người dân, cán bộ, đảng viên đều rất vui mừng, phấn khởi, được truyền cảm hứng mạnh mẽ, xây dựng tình cảm cách mạng, tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân, và toàn quân.

ngo-hieu.jpg
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu- Hà Nội

Đại biểu cũng đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ được đổi mới quyết liệt, sâu sắc, sáng tạo và linh hoạt, tạo sự chuyển biến trong toàn hệ thống.

Về nhiệm kỳ mới, cử tri mong muốn Chủ tịch nước và Chính phủ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đổi mới mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa, trong đó:

Tập trung xây dựng thể chế, coi thể chế không chỉ là hành lang pháp lý mà trước hết là tài nguyên và nguồn lực phát triển. Nguồn lực này là vô tận. Khi xây dựng thể chế, cần đầu tư cao hơn, lắng nghe nhiều hơn, chọn người giỏi hơn và dự báo dự liệu dài hơn; Tiếp đến là tiếp tục đầu tư một cách thông minh, trọng tâm, trọng điểm cho giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa và có chính sách đột phá hợp lý để phát hiện, thu hút và sử dụng nhân tài. Một người tài đức thực sự, nhất là người đứng đầu sẽ là tiền đề để xây dựng một tổ chức mạnh mẽ và hiệu quả và là yếu tố để có được nhiều người tài hơn nữa.

Quan tâm, đối thoại với nhân dân; tập trung giải quyết đơn thư, kiến nghị các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; xử lý nghiêm cán bộ thờ ơ, vô trách nhiệm, vô cảm với nhân dân. Không chỉ xử lý nghiêm cán bộ làm sai mà cần phải xử lý cả cán bộ không làm, chậm làm, chỉ làm việc dễ, việc có lợi cho cá nhân hoặc nhóm lợi ích và cuối cùng, mặc dù chúng ta đã có một nhiệm kỳ rất thành công nhưng Chính phủ nhiệm kỳ mới cần tiếp tục tấn công mạnh mẽ hơn nữa vào căn bệnh chần chừ, chậm trễ, trì trệ trông chờ và trốn tránh vẫn đang hiện hữu ở nơi này, nơi khác trong toàn hệ thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thể chế, bộ máy nhân sự cần phải có sự đột phá mạnh mẽ trong nhiệm kỳ tới