Thế chấp iPad làm tin rồi… xù luôn nợ

Lâm Tân| 15/07/2015 10:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thế cái iPad cũ (giá chưa tới 5 triệu đồng) thay cho số tiền đặt cọc 11 triệu đồng để mua túi xách mà bà Phương (người bán) đã nhận của tôi trước đó, mãi đến nay gần 8 tháng, bà Phương vẫn không chịu trả tiền cho tôi như đã giao ước”.

Đó là một phần nội dung trong đơn cầu cứu của ông Nguyễn Hoàng Bảo Ân (người đại diện cho em Chu Thị Loan vì Loan chỉ mới 16 tuổi) gửi đến các cơ quan báo chí về việc em Loan “bị lừa” số tiền 11 triệu đồng.

Biên nhận của bà Phương ký với khách hàng

Biên nhận của bà Phương ký với khách hàng

Theo đơn ông Bảo Ân, tháng 10/2014 em Loan đặt mua một cái túi xách với giá 41 triệu đồng từ bà Hồ Thị Hồng Phương và đặt cọc 11 triệu đồng, hẹn 2 tuần giao hàng rồi trả đủ tiền.

Đến ngày 11/11/2014, bà Hồng Phương hẹn Loan và ông Ân đến quán cà phê trên địa bàn P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM để giao dịch. Lúc này, ông Ân và em Loan từ chối nhận hàng vì lý do nhận thấy túi xách này không mới 100% như lời bà Phương quảng cáo và bà Phương cũng không có hóa đơn mua hàng chính hãng. Bênh cạnh đó, bà Phương cũng không có loại giấy tờ nào chứng minh xuất xứ của cái túi (vì túi xách có thương hiệu đều có Tag, thẻ card nguồn gốc rõ ràng). Vì lý do đó, ông Bảo Ân và em Loan yêu cầu bà Phương trả lại tiền đặt cọc.

Sự việc lên đỉnh điểm khi “ngay lúc đó, có 2 người phụ nữ lớn tuổi xông tới giằng co với bà Phương cái giỏ chúng tôi đặt mua. Họ nói cô ta lừa đảo, trộm cắp rồi yêu cầu đưa lên công an phường gần đó”, ông Ân cho biết thêm.

Trang Facebook cá nhân của bà Phương do ông Ân cung cấp

Trang Facebook cá nhân của bà Phương do ông Ân cung cấp

Tại trụ sở công an P.Tân Phong, ông Ân và em Loan yêu cầu bà Phương trả lại số tiền 11 triệu đồng đã đặt cọc. Bà Phương hứa sẽ trả lại tiền cọc khi nào bán được cái túi xách nói trên.

Sau đó bà Phương lập một tờ cam kết với ông Ân và em Loan rằng: Loan sẽ tạm giữ một máy iPad của bà Phương, đến khi bà Phương trả tiền thì Loan sẽ trả lại máy.

“Đến nay đã hơn 8 tháng nhưng bà Phương vẫn không hoàn lại tiền cọc mà còn có thái độ thách thức”, ông Bảo Ân cho biết thêm.

Theo ông Bảo Ân, hàng quảng cáo thì có tem, nhãn, nguồn gốc hoặc nhìn là biết hàng tốt nhưng đến khi nhận thì chẳng có hóa đơn, chứng từ gì chứng minh nó là hàng thật cả.

“Tôi nghĩ người tiêu dùng hãy lấy sự việc của tôi làm một bài học. Cần tìm hiểu kỹ người bán, sản phẩm trước khi mua, tốt nhất là nhận hàng rồi mới trả tiền. Đừng dại dột như tôi để rồi tiền mất tật mang”, ông Ân chia sẻ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thế chấp iPad làm tin rồi… xù luôn nợ