Rạng sáng ngày 9/10, PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh đã qua đời ở tuổi 80 sau khoảng thời gian chống chọi với bệnh tật.
Trước đó, tháng 7/2014, thầy Văn Như Cương biết mình bị mắc ung thư gan. Bác sĩ kết luận thời gian của thầy chỉ còn từ 3 đến 5 tháng. Nhưng bằng nghị lực của mình, thầy đã chống chọi với căn bệnh quái ác suốt 3 năm qua.
PGS Văn Như Cương, người thầy được nhiều thế hệ học sinh yếu mến.
Biết sức khỏe thầy giáo Văn Như Cương không tốt, sáng 4/3, hơn 3.000 học sinh Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã ghi lại video hát vang ca khúc truyền thống "Bài ca Lương Thế Vinh" để tặng thầy như một món quà tinh thần giúp thầy mau khỏi bệnh.
Ngày khai giảng năm học mới 2017-2018, thầy Văn Như Cương đã đến dự lễ khai giảng và truyền cảm hứng cho học sinh thông qua một thông điệp giàu ý nghĩa. Đó là bài học “một phút chữa bệnh lười”.
Sau ngày khai giảng, sức khỏe của thầy yếu hơn và tiếp tục phải nhập viện điều trị.
PGS Văn Như Cương đánh trống ngày khai giảng
Thầy Văn Như Cương sinh năm 1937. Ông sinh ra trong một gia đình làm nghề dạy chữ Hán tại làng Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).
Tốt nghiệp khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội, ông trở thành cán bộ giảng dạy tại trường. Ông học chương trình nghiên cứu sinh ngành toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ vào năm 1971.
Sau khi về nước ông làm giảng viên, công tác tại bộ môn Hình học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Vinh.
Năm 1989, ông mở trường Lương Thế Vinh, trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam từ khi Đổi mới.
Ông chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học. Ông là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông (chương trình nâng cao) của Việt Nam và là thành viên Hội đồng Giáo dục quốc gia Việt Nam. Sau đó, ông được phong hàm Phó giáo sư toán học.
PGS Văn Như Cương luôn được nhắc tới là một nhà giáo có tâm với nghề được nhiều thế hệ học trò yêu mến và cảm phục. Thầy đã có nhiều bài giảng, triết lý sâu sắc khiến học trò luôn ghi nhớ. Vì thế, sự ra đi của thầy đã để lại niềm thương tiếc, xót xa trong lòng nhiều người.