Ra đời từ năm 2004, Facebook hiện đã hơn 17 tuổi. Vào những ngày đầu thành lập, Facebook là nơi giới học sinh, sinh viên kết nối, trò chuyện cùng nhau. Tuy nhiên, theo The Economist, giờ đây giới trẻ lại xem mạng xã hội này như một nền tảng dành cho lứa tuổi trung niên. Dù đã có nhiều chính sách thay đổi nhưng việc kém hấp dẫn với người trẻ là dấu hiệu xấu với một nền tảng luôn muốn tăng trưởng.
Facebook hiện đã hơn 17 tuổi và đây cũng đã là nơi giới học sinh, sinh viên kết nối, trò chuyện cùng nhau. Thế nhưng giờ đây giới trẻ lại xem mạng xã hội này như một nền tảng dành cho lứa tuổi trung niên.
Thậm chí, nhiều nhà đầu tư cũng lo ngại Facebook đã trở nên quá lỗi thời. Chính suy nghĩ đó khiến Meta, công ty mẹ của Facebook, bị thổi bay 232 tỷ USD giá trị thị trường chỉ trong ngày 3/2, đánh dấu mức giảm trong vòng 24 giờ lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán.
Vấn đề lớn hơn đối với Facebook hiện giờ là quá gắn bó với một thế hệ, từ đó độ tuổi người dùng cũng già đi đáng kể. Với những nước phát triển, giới trẻ tỏ ra ngán ngẩm với Facebook.
"Giới trẻ không muốn dùng chung nền tảng với ông bà của mình", The Economist phân tích. So với các mạng xã hội khác tập trung vào hình ảnh, Facebook hướng tới bảng tin bạn bè và tin tức nhiều hơn. Đó không hẳn là những gì mà giới trẻ cần.
Trong một tài liệu nội bộ của Facebook, nền tảng này thừa nhận người trẻ coi mạng xã hội như "chỗ dành cho người trung niên".
Frances Haugen, cựu quản lý sản phẩm của Facebook, trong tài liệu tố cáo Facebook tiết lộ mạng xã hội này không còn thu hút người dùng trẻ ở Mỹ như trước đây. Cụ thể, bà cho biết ở nhiều quốc gia, lượng người dùng dưới 18 tuổi đăng ký tài khoản mới đã giảm 1/4 chỉ trong vòng 1 năm.
Một khảo sát khác của công ty nghiên cứu Enders Analysis cũng chỉ ra thời gian người dùng từ 18-24 tuổi ở Anh sử dụng Facebook và Instagram giảm một nửa. CEO Mark Zuckerberg cũng thừa nhận hãng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gắt gao từ TikTok và các đối thủ khác trong việc tiếp cận đến những đối tượng trẻ tuổi.
Trước đây, ưu tiên hàng đầu của Zuckerberg là phát triển Facebook, ứng dụng chủ chốt của tập đoàn. Sau khi mua lại Instagram vào năm 2012, Facebook đã bí mật hạn chế việc thuê thêm nhân viên cho nền tảng này vì sợ Instagram sẽ giành lấy người dùng của mình.
Tuy nhiên, hiện vị CEO lại sẵn sàng hy sinh "đứa con đầu lòng" là Facebook để bảo vệ công việc kinh doanh chung của tập đoàn.
Họ bắt đầu thu hút người dùng trẻ trên các ứng dụng khác như Messenger Kids hay Instagram Kids, thậm chí là phát triển tính năng Reels, được cho là phiên bản “nhái” của TikTok. Năm 2021, Zuckerberg còn xóa bỏ cái tên Facebook và thay bằng Meta để tránh bị cho là lỗi thời.
The Economist nhận định Mark Zuckerberg đã chuyển hướng từ việc vực dậy Facebook sang phát triển công nghệ trên đa lĩnh vực từ bộ kính VR, metaverse đến đồng hồ thông minh.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Facebook có sụp đổ và có biến thành "hoang mạc" trong tương lai như đối thủ một thời MySpace.
Theo The Economist, Facebook có thể sẽ không trở lại hào quang và thu hút người dùng trẻ như khi mới ra đời. Tuy nhiên, họ vẫn có thể sống sót bằng cách tự làm mới mình.
Năm 2018, Facebook cố sao chép TikTok bằng dịch vụ Lasso. Tuy nỗ lực đầu tiên thất bại, phiên bản "nhái" TikTok tiếp theo là Reels đang khá thành công trên Instagram, và bắt đầu được mở rộng trên Facebook.
Việc tập trung vào lĩnh vực kinh doanh trực tiếp cũng có thể giúp Facebook tiếp tục kiếm lời. Trong buổi báo cáo tài chính mới nhất, họ hứa hẹn sẽ đầu tư vào các dịch vụ giúp các doanh nghiệp dễ dàng liên hệ với khách hàng thông qua quảng cáo.