“Thay áo” VinMart, Masan liệu có thành công trong “cuộc chơi” bán lẻ?

Hồng Vân| 28/08/2020 12:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, một đoạn quảng cáo trên sóng truyền hình đã hé lộ thông tin "VinMart sẽ được đổi tên thành WinMart". Thực tế, ngoài thay đổi thương hiệu, Masan đang có những bước đi mạnh mẽ để mang đến “làn gió mới” cho hệ thống bán lẻ hiện đại đứng đầu cả nước.

EBITDA VinCommerce trên đà về gần mức hòa vốn

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn Masan diễn ra vào tháng 6/2020, các cổ đông  đã đưa ra câu hỏi có nên cân nhắc đổi mới nhận diện thương hiệu cho chuỗi bán lẻ VinMart/VinMart+. Ông Trương Công Thắng, Chủ tịch Masan Consumer Holdings kiêm Tổng Giám đốc VinCommerce cho biết: “Masan đang có những nghiên cứu sâu rộng trên cả nước nhằm cải thiện cả hình thức, nhận diện thương hiệu lẫn nội dung, sao cho chuỗi bán lẻ VinMart/VinMart+ có thể mang đến sự hài lòng hơn nữa cho khách hàng”. Theo đó, những thay đổi cụ thể về tên thương hiệu, định vị, danh mục hàng hóa… của hệ thống bán lẻ này sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp.

Thành lập vào năm 2015, đến năm 2019 VinCommerce (VCM) đạt doanh thu 25.500 tỷ đồng với 131 siêu thị VinMart và gần 2.900 cửa hàng tiện lợi VinMart+. Xét về độ bao phủ, VinCommerce là mạng lưới bán lẻ hiện đại duy nhất có độ phủ toàn quốc, quy mô lớn nhất Việt Nam, sở hữu dữ liệu 8 triệu khách hàng, chiếm 30% thị phần kênh bán lẻ hiện đại, vượt xa BigC (có mặt từ 1998) với 37 điểm bán và Saigon Coop (có mặt từ 1996) với 550 điểm bán. Tuy doanh thu “khủng”, trước khi chuyển giao cho Masan Group, VCM lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh ít nhất hơn nghìn tỷ đồng mỗi năm. Năm 2019, biên EBITDA của VCM là -9%.

Sau hơn nửa năm tiếp quảnce VinCommer, Masan đã thực hiện nhiều biện pháp cải tổ mạnh mẽ và cho thấy hiệu quả kinh doanh được cải thiện rõ rệt. Đồng thời, tháng 6/2020, Masan thành lập hai công ty The Sherpa và The CrownX để tiếp quản cả hai công ty Masan Consumer Holdings và VCM. Nhận định tiềm năng phát triển mạnh mẽ ngành bán lẻ hiện đại tại Việt Nam, Masan Group đã hoàn tất mua thêm 12,57% cổ phần tại The CrownX, nâng tổng sở hữu tỷ lệ lợi ích tại The CrownX lên 82,6%.

Trong nửa đầu năm 2020, VinCommerce mang về khoản doanh thu hơn 15.800 tỉ đồng. Riêng trong quý I, doanh thu của đơn vị này đạt 8.709 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kì năm 2019. Bước sang quý II, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 7.104 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch bệnh.

Tại Hà Nội, nửa đầu năm 2020, lợi nhuận của chuỗi VinMart+ gia tăng, với EBITDA 2% so với mức 1% nửa cuối năm 2019. Ngoài ra, dưới sự điều hành của Masan, chuỗi VinMart tại Hà Nội có lợi nhuận 0,5% vào nửa đầu năm 2020 so với mức lỗ 0,2% nửa cuối năm 2019.

“Thay áo” VinMart, Masan liệu có thành công trong “cuộc chơi” bán lẻ?

VinMart, VinMart+ tại Hà Nội đã đạt EBITDA dương vào nửa đầu năm 2020.

Trong quý II, doanh thu từ chuỗi VinMart+ tăng 51,4%, chỉ số tăng trưởng doanh thu trên cùng cửa hàng (SSSG) là 3%. Ngược lại, doanh thu quý II của chuỗi siêu thị VinMart giảm 15%, chủ yếu do các trung tâm thương mại thuộc Vincom Retail phải đóng cửa vì Covid-19, và một phần do công ty chủ động giảm doanh số mảng khách hàng doanh nghiệp (B2B) để cải thiện biên lợi nhuận. So với nửa cuối năm 2019, doanh thu nửa đầu 2020 của VinCommerce tăng trưởng 13%, EBITDA cải thiện từ -9% thành -7%.

VCM đang trên đà hướng đến mục tiêu đề ra của Ban điều hành: EBITDA năm 2020 về gần mức hòa vốn (-1%; -3%) dự kiến cả năm 2020, doanh thu dự kiến tăng 38% so với 2019, đạt mức 35.000 tỷ đồng.

Đại diện Masan cho biết, thời gian tới tập đoàn sẽ tập trung đẩy mạnh mảng siêu thị mini VinMart+, vốn đang mang về khoản doanh thu khá tốt và được dự báo sẽ là “tương lai của ngành bán lẻ hiện đại tại Việt Nam”.

The CrownX và WinMart

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Masan Group chia sẻ: “Công nghệ, cuộc sống luôn luôn thay đổi. Mặc dù vậy, sẽ có những điều không bao giờ thay đổi. Trong kinh doanh, những điều không thay đổi là ngọn hải đăng dẫn dắt con đường chúng ta đi. Hơn 20 năm qua, Masan chỉ có một con đường. Trên con đường đó, mỗi ngày, đội ngũ Masan nỗ lực làm việc để góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam”.

Theo lý giải của Masan về tên gọi The Crown X, chữ Crown trong tiếng Anh là vương miện, với hàm ý xem người tiêu dùng là vua, là nữ hoàng. X đại diện cho các ý tưởng đột phá, những sáng kiến đỉnh cao công nghệ. Vì thế, The CrownX cũng có nghĩa là dùng tất cả nỗ lực, trí tuệ để mang đến những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất để phục vụ cho người tiêu dùng Việt Nam.

Với tên WinMart, liệu tên gọi này có thể lý giải WinMart theo ý nghĩa “Where shoppers win”? Với triết lý “đặt người tiêu dùng làm trọng tâm” của Masan, thương hiệu mới này nhằm khẳng định mảng bán lẻ, cũng như những mảng kinh doanh khác của tập đoàn này, đều hướng đến mục tiêu mang đến những lợi ích tốt nhất cho người tiêu dùng.

“Thay áo” VinMart, Masan liệu có thành công trong “cuộc chơi” bán lẻ?

VinMart sẽ được đổi tên thành WinMart.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thay áo” VinMart, Masan liệu có thành công trong “cuộc chơi” bán lẻ?