Thấp thỏm nỗi lo vỡ đê do triều cường dâng cao

Tuyến Trang| 31/10/2015 22:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hằng năm, cứ đến mùa lũ, triều dâng, người dân huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) lại thấp thỏm nỗi lo vì nhiều đoạn đê bị vỡ, khiến đời sống của người dân gặp khó khăn do nước tràn ngập vào nhà, thiệt hại trong sản xuất.

Theo số liệu thống kê của địa phương cho thấy, vào đợt triều dâng cao tháng 10/2014, chỉ trong 3 ngày (09-11/10/2014), đã có đến 76 đoạn đê bao bị vỡ với chiều dài hàng trăm mét, làm ngập 140 căn nhà, hơn 700 ha hoa màu bị ngập trong nước, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. 

Thấp thỏm nỗi lo vỡ đê do triều cường dâng cao

Đê bao quá nhỏ và quá thấp, để chống lại sức ép của dòng nước lũ từ bên ngoài

Đợt triều cường vào cuối tháng 10/2015 vừa qua đã khiến 19 đoạn bị vỡ, với chiều dài 87m và 10 đoạn nước tràn qua đê bao dài trên 900m thuộc các xã Đại Ân 1, An Thạnh Nam, An Thạnh Đông và An Thạnh Nhì… Trong đó có một đoạn bờ ở trung tâm xã Đại Ân 1 bị vỡ gây ngập úng trên 15ha hoa màu, 2 ao cá, làm ngập hàng chục căn nhà dân và làm ảnh hưởng đến năng suất mía và một số loại nông sản khác.

Ông Phạm Văn Tám - Chủ tịch UBND xã Đại Ân 1 (huyện Cù Lao Dung) thông tin, chính quyền địa phương vận động nhân dân nỗ lực khắc phục được 6 đoạn đê, các đoạn đê còn lại thì xin kinh phí để đưa cơ giới cuốc đất đắp, mới có thể khắc phục được.

Ông Tám thông tin, đến thời điểm hiện tại, địa phương chưa thống kê được diện tích hoa màu của người dân bị thiệt hại do ngập úng. “Ngay khi vừa xảy ra ngập úng, xã đã báo cáo nhanh về huyện và các cơ quan chức năng để cơ quan chức năng kịp thời hỗ trợ dân. Tuy nhiên, nếu tình trạng ngập lụt tiếp tục kéo dài người dân sẽ… trắng tay".

Nhiều người dân ở huyện Cù Lao Dung bức xúc cho rằng năm nào địa phương cũng vận động lực lượng, xin kinh phí để gia cố đê bao. Tuy nhiên, đê bao cứ… “đến mùa lại vỡ”. 

Đứng bên cánh đồng mía của gia đình, bà Phạm Thị Tám (76 tuổi, ngụ tại xã Đại Ân 1) cho biết: “Bà con mong sao chính quyền khắc phục và gia cố đê bền vững để người dân chúng tôi yên tâm hơn".

Còn ông Nguyễn Văn Công thì ngậm ngùi: “Người ta thường nói một năm có hai mùa mưa nắng, nhưng ở địa phương chúng tôi có đến 3 mùa, đó là mùa… vỡ đê”.

Thấp thỏm nỗi lo vỡ đê do triều cường dâng cao

Người dân phải tự be bờ ngăn lũ

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các tuyến đê bao ở Cù Lao Dung rất nhỏ, chủ yếu đắp bằng đất tại chỗ, không được gia cố chắc chắn. Đặc biệt, có một số đoạn do đê bao quá thấp nên người dân phải dùng bùn đất đắp be bờ để ngăn nước tràn vào, nhưng dù người dân đã rất nỗ lực nhưng việc làm này chỉ mang tính tạm bợ, không đảm bảo tính lâu bền.

Một phần nữa là một số đoạn đê bao do không được bồi nên đã “xuống cấp”, không thể chống lại nổi sức ép của dòng nước lũ từ ngoài sông dâng cao. Và, tình trạng vỡ đê tại các đoạn chưa bị vỡ có thể sẽ xảy ra bất cứ lúc nào.

Thấp thỏm nỗi lo vỡ đê do triều cường dâng cao

Mía và các loại nông sản của người dân bị thiệt hại nghiêm trọng

Thấp thỏm nỗi lo vỡ đê do triều cường dâng cao

Một đoạn đê bị vỡ ở xã Đại Ân 1

Trao đổi với phóng viên về biện pháp khắc phục, ông Hồ Thanh Kiệt – Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Cù Lao Dung cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của các địa phương khẩn trưởng triển khai các phương án khắc phục hậu quả và tiếp tục khảo sát tại các tuyến đê xung yếu, phân công lực lượng trực ban 24/24 với quyết tâm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất".

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thấp thỏm nỗi lo vỡ đê do triều cường dâng cao