Tính cần thiết ban hành Luật An ninh mạng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội phân tích, cho ý kiến trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 23/11 về dự thảo Luật An ninh mạng.
Nhiều ĐBQH tán thành với việc xây dựng dự án Luật An ninh mạng, vì trong bối cảnh hiện nay đây đang là mối quan tâm của toàn cầu, có tác động mạnh mẽ, toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong thời gian qua, các thế lực thù địch, một số loại tội phạm và đối tượng khác đã, đang sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Đặt câu hỏi, vì sao có Luật An toàn thông tin mạng rồi nhưng vẫn phải xây dựng Luật An ninh mạng, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) phân tích phạm vi điều chỉnh của hai luật là hoàn toàn khác nhau. Viện dẫn Bộ luật Hình sự quy định tất cả các hành vi phạm tội còn Luật Phòng, chống tham nhũng hay Luật Phòng, chống ma túy quy định biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chuyên sâu hơn với các loại tội phạm mà nhà nước thấy nguy hiểm hơn, cần ưu tiên phòng, chống, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu lập luận: Luật An toàn thông tin mạng bảo vệ sự an toàn thông tin trên 3 thuộc tính chung nhất, đó là tính nguyên vẹn của thông tin; tính bảo mật thông tin; tính khả dụng của thông tin. Dự thảo Luật An ninh mạng tập trung chống lại các thông tin độc hại, xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng. Khẳng định đây là điều khác biệt cơ bản của Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu thấy rằng có thêm những luật chuyên sâu trên môi trường mạng là điều bình thường, nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Anh... đã có Luật An ninh mạng mà Ban soạn thảo đã tham khảo khi xây dựng luật này.
ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An)
Tuy nhiên, không ít ý kiến chưa đồng thuận, tranh luận lại với đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đánh giá các biện pháp bảo vệ an ninh mạng trong dự thảo Luật An ninh mạng đề ra có nhiều điểm tương tự như Luật An toàn thông tin mạng. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Quốc hội cần hoàn chỉnh và bổ sung các luật hiện có, tăng cường quản lý mạng xã hội trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Tiếp cận thông tin để ngăn chặn các tin tức giả... Để đảm bảo môi trường phát triển dân chủ nhưng vẫn đảm bảo an ninh quốc gia rất cần thiết xem xét kỹ lưỡng, cẩn trọng trước khi ban hành luật điều chỉnh lĩnh vực rất nhạy cảm này, đại biểu Hiếu đề nghị.
Cũng ở góc độ này đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) thì cho rằng, các lý do được Chính phủ đưa ra để lý giải cho việc cần xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng chưa thuyết phục. Trong khi đó, ở nội dung Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương được ký kết vào tháng 2.2016, tại Chương thương mại điện tử, khoản 2 Điều 14.13, về địa điểm của hạ tầng công nghệ thông tin đã quy định không bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng của chương này được sử dụng, hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của bên mình để xem đó như là điều kiện kinh doanh trong lãnh thổ đó để triển khai công việc.
Mới đây nhất, trong dự thảo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đang được Việt Nam cùng các quốc gia tham gia đàm phán, thì quan điểm về địa điểm của hạ tầng công nghệ thông tin không thay đổi. Vì vậy, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy nhận thấy, Luật An ninh mạng không nên đặt ra những quy định trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng lưu ý, an ninh quốc gia và việc bảo vệ an ninh quốc gia rất quan trọng, nên Quốc hội đã ban hành các Luật An ninh quốc gia, Luật An toàn thông tin mạng. Hai luật này giống như “hai chiếc khóa” rất chắc chắn, nay thêm Luật An ninh mạng không khác gì thêm “chiếc khóa thứ ba”. Do đó, Quốc hội cần cân nhắc “hai khóa” đã đủ chắc chắn chưa? “Nếu thêm một khóa chỉ để khóa cùng một cửa nhưng lại giao cho người khác giữ chìa có chắc hơn, hay cồng kềnh hơn trong thời buổi mở cửa này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy băn khoăn.
Tiếp tục tranh luận với đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nhấn mạnh, khái niệm an toàn thông tin được Luật An toàn thông tin mạng quy định chỉ bao gồm 3 đặc tính: nguyên vẹn, bảo mật, và khả dụng. Như vậy, tính đúng đắn và bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công dân chưa được Luật An toàn thông tin mạng đề cập thỏa đáng.
Thừa nhận có sự chồng lấn với Luật An toàn thông tin mạng, song đại biểu Nguyễn Thanh Hồng đề nghị, cần rà soát, chỉnh lý dự án Luật An ninh mạng để xử lý tốt những điểm chồng lấn, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia.
Để dự án Luật An ninh mạng hoàn thành được sứ mệnh của mình, một số ĐBQH đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát và thiết kế lại cho chặt chẽ hơn. Bởi lẽ, bố cục như dự thảo còn dàn trải, thiếu nhất quán, cách sử dụng từ dễ gây nhầm lẫn và có nhiều nội dung trùng lặp. Chương II về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, nhưng Chương III là xử lý hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội không phải là xử lý hành vi xâm phạm hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.