Ngày 22-12, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tổ chức phiên họp thứ ba để thảo luận nhiều nội dung quan trọng liên quan đến Đề án “Nghiên cứu việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố” và Đề án “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam” do Ban Cán sự Đảng VKSNDTC chủ trì soạn thảo.
Tham dự phiên họp có các thành viên Ban Thư ký Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan. Ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì phiên họp
Mở đầu phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thông báo dự kiến nội dung phiên họp và yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cũng như các đại biểu đóng góp ý kiến, thảo luận về những nội dung quan trọng của hai Đề án, nhất là những vấn đề mới so với mô hình tố tụng hiện hành; những đề xuất của Ban Cán sự Đảng VKSNDTC về quan điểm, phương hướng hoàn thiện Viện kiểm sát…
Trình bày tại phiên họp, đại diện VKSNDTC báo cáo tóm tắt những nội dung chính của Đề án “Nghiên cứu việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố”. Theo đó, trong tiến trình cải cách tư pháp, Đảng, Nhà nước yêu cầu Viện kiểm sát phải thực hiện tốt hai chức năng: thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật.
Thực tiễn 42 năm thực hiện công tác kiểm sát chung, nhất là trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Ban Cán sự Đảng VKSNDTC đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội tiếp tục duy trì mô hình Viện kiểm sát như hiện nay và thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới để tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Viện kiểm sát trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đóng góp ý kiến
Đối với Đề án “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam”, VKSNDTC cũng nêu rõ những bất cập, hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, ảnh hưởng đến yêu cầu xây dựng một nền tư pháp dân chủ, công bằng, nghiêm minh, bảo vệ công lý. Đặc biệt đã không tạo ra được cơ chế pháp lý hữu hiệu để thúc đẩy các cơ quan tiến hành tố tụng hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của mình trước sự đối trọng, phản biện tích cực từ bên bào chữa. Do đó, việc triển khai, nghiên cứu, xây dựng Đề án “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam” sẽ khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập của mô hình tố tụng hình sự hiện nay, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới.
Sau khi nghe báo cáo nội dung của hai Đề án, các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và các đại biểu đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến xoay quanh việc có nên đổi Viện kiểm sát thành Viện công tố hay không, và việc xây dựng mô hình tố tụng hình sự mới thì chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng được tổ chức như thế nào?
Theo ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam thì, Viện kiểm sát hiện nay đang có chức năng kiểm sát hỗn hợp. Nếu chuyển đổi thì Viện kiểm sát chỉ nên giữ chức năng công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; còn chức năng kiểm sát chung thì nên bỏ. Đối với mô hình tố tụng hình sự, thì để đảm bảo dân chủ nên nâng cao tranh tụng tại Tòa án, phải nâng cao vai trò của luật sư và hội thẩm nhân dân.
Ông Trương Hòa Bình, Chánh án TANDTC cho rằng, nếu chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố thì chúng ta nên thận trọng, cần phải nghiên cứu đánh giá mô hình hiện nay có đáp ứng được yêu cầu không, nếu đáp ứng được thì duy trì, còn không thì nên nghiên cứu chuyển đổi cho phù hợp. Còn việc xây dựng mô hình tố tụng hình sự mới, thì hiện nay ở Việt Nam đang chủ trương nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, tuy nhiên nếu chỉ có tranh tụng thôi thì rất dễ bỏ lọt tội phạm. Qua thực tiễn xét xử, nếu Thẩm phán không hỏi thì sẽ khó bật ra những vấn đề để xác định đúng bản chất của vụ việc. Do đó, mô hình tố tụng hình sự mới vẫn nên xây dựng theo hướng kết hợp: vừa thẩm vấn vừa tranh tụng là phù hợp nhất.
Ông Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, Viện kiểm sát tổ chức như hiện nay đang có rất nhiều chức năng. Ở những quốc gia trên thế giới có Viện công tố thì phạm vi hoạt động bị hạn chế, vì vậy nếu chuyển đổi cũng cần có lộ trình để phù hợp với tình hình ở Việt Nam…
Ngoài những ý kiến trên, cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố; còn việc xây dựng mô hình tố tụng hình sự mới thì nên làm, cần phải cải cách triệt để, buộc các cơ quan chức năng phải thay đổi tư duy, thay đổi tổ chức (ý kiến của ông Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam)…
Sau khi nghe thảo luận và đóng góp các ý kiến, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá Đề án “Nghiên cứu việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố” và Đề án “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam” do Ban Cán sự Đảng VKSNDTC chủ trì soạn thảo đã được xây dựng công phu, nghiêm túc. Các đại biểu tham dự phiên họp là những người am hiểu, có tâm huyết và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng. Qua phiên họp này, Ban Cải cách tư pháp Trung ương sẽ tập hợp, nghiên cứu để hoàn thiện Viện kiểm sát, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đúng với chủ trương cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Trần Minh Giang