Chiều 11/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình đã có buổi làm việc với lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định về giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Tại buổi làm việc Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố xác định trách nhiệm chính trị trong giải ngân vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cần nỗ lực hết sức, quyết liệt để cùng với Chính phủ thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đạt tỷ lệ 95%.
Theo đó, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao 100% kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương. Đến ngày 30/9, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 665.199,9 tỷ đồng, đạt 98,1%.
Việc giải ngân ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/9 là 320.566,5 tỷ đồng, đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm 2024 dưới mức trung bình của cả nước.
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư trong số 5 địa phương tham dự buổi làm việc, chỉ có 3 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình của cả nước là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, còn lại 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.
Tình hình thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước của 5 địa phương cụ thể như sau: Tỉnh Thừa Thiên Huế giải ngân 4.068,4/6.957,9 tỷ đồng được giao (đạt 58,47%); TP. Đà Nẵng giải ngân 3.520/7.291,9 tỷ đồng (đạt 48,27%); tỉnh Quảng Nam giải ngân 2.672,9/6.520,6 tỷ đồng (đạt 40,99%); tỉnh Quảng Ngãi giải ngân 2.305,3/6.902,9 tỷ đồng (đạt 33,40%); tỉnh Bình Định giải ngân 5.456,1/7.865,7 tỷ đồng (đạt 69,37%).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập. Cùng mặt bằng pháp lý có bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân tốt nhưng vẫn có những bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân chưa tốt; trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các địa phương cùng chia sẻ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Đó không chỉ là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất... mà còn là việc người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư, còn thắc mắc, khiếu nại đơn giá bồi thường về đất… Luật Đất đai mới được ban hành, nhiều dự án phải tính toán lại chi phí giải phóng mặt bằng theo quy định mới.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết việc giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng qua của tỉnh Quảng Nam đạt tỷ lệ thấp. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng thừa nhận rằng bên cạnh nguyên nhân vướng mắc về cơ chế thì nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Công tác chỉ đạo quyết liệt nhưng chưa đạt kết quả cao nhất. Ngoài ra, còn có tâm lý của đội ngũ cán bộ chưa dám làm, sợ sai.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương đề xuất sửa đổi các quy định liên quan tới các nội dung của Luật Đầu tư công như quy định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án, tách dự án với giải phóng mặt bằng, phân cấp thẩm quyền quyết định kéo dài thời gian bố trí vốn, thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách địa phương hằng năm.
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các nội dung vướng mắc mà các địa phương đề cập nói trên đã được nghiên cứu và sửa đổi trong dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Các nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai như sự không thống nhất trong xác định phân loại đất, nguyên tắc sử dụng đất; chênh lệch giữa giá bồi thường theo khung quy định của Nhà nước với giá thị trường; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng… đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tại Luật Đất đai 2024 và các Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, đề nghị các bộ ngành ghi nhận đầy đủ các ý kiến về những khó khăn, vướng mắc mà địa phương nêu, vấn đề nào thuộc trách nhiệm của bộ thì giải quyết, vấn đề nào còn vướng thì báo cáo Chính phủ. Chỉ thị Thủ tướng nêu rõ vai trò giải ngân đầu tư công rất quan trọng đến tăng trưởng kinh tế, do đó, dù khó khăn thế nào cũng phấn đấu đạt được chỉ tiêu.
Lãnh đạo Chính phủ hoan nghênh Quảng Nam đã thành lập được các tổ công tác giải quyết các vấn đề, đẩy nhanh giải ngân vốn, các tỉnh khác cần học tập. Quá trình đôn đốc giải ngân vốn cũng phải có kiểm tra, giám sát, tiến độ giải ngân ở các cơ sở.
Đối với dự án, công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia hiện còn manh mún, phân cấp sâu nhưng năng lực cán bộ ở cơ sở thực hiện thì rất hạn chế. Do đó, địa phương cần tăng cường cán bộ có năng lực của tỉnh về hỗ trợ các huyện. Cần quan tâm giải ngân công trình mục tiêu quốc gia, nâng cao đời sống người dân vùng núi, vùng khó khăn.
“Về trách nhiệm, đề nghị Bí thư, Chủ tịch các tỉnh xác định trách nhiệm chính trị trong giải ngân vốn đầu tư công, xem như đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Các địa phương cần nỗ lực hết sức, quyết liệt cùng với Chính phủ thực hiện mục tiêu giải ngân 95% vốn", Phó Thủ tướng thường trực yêu cầu.