Tháo gỡ nút thắt trong xử lý nợ xấu: Cần cơ chế

Mạnh Nguyễn| 27/10/2016 19:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiện nay, nợ xấu và xử lý nợ xấu là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của cả cộng đồng xã hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách để có thể khơi thông những ách tắc trong nền kinh tế, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển.

Còn nhiều nút thắt

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ cuối năm 2012 đến thời điểm ngày 31/8/2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các tổ chức tín dụng tự xử lý (chiếm 57,2%), còn lại là bán nợ bao gồm bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC ) và tổ chức, cá nhân khác chiếm 42,8%.

Tháo gỡ nút thắt trong xử lý nợ xấu: Cần cơ chế

Để xử lý vấn đề nợ xấu hiện nay cần có sự  chung tay của cả hệ thống chính trị, xã hội với ngành ngân hàng. Ảnh: Internet

Chia sẻ tại Hội thảo “Xử lý nợ xấu – những nút thắt cần tháo gỡ” do NHNN, Văn phòng Quốc hội tổ chức hôm 26/10, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VAMC cho biết từ năm 2013 đến nay, VAMC đã mua được 25.062 khoản nợ tại 42 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc 262.054 tỷ đồng, giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng.

Hầu hết các khoản nợ đã mua đều có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay kể cả bất động sản, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, dự án, trái phiếu doanh nghiệp…Trong đó, bất động sản với giá trị tài sản bảo đảm là 256 nghìn tỷ, chiếm tỷ lệ cao nhất 63,5%.

Tuy nhiên ông Hùng cũng nêu ra một số “nút thắt” trong hoạt động xử lý nợ xấu ở VAMC như: VAMC không có quyền chủ nợ đối với nợ xấu mua bằng Trái phiếu đặc biệt.; việc tổ chức thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu để xử lý nhằm thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn, công tác xử lý tài sản  bị kéo dài.

Bên cạnh đó, việc xác định giá khởi điểm để phát mại tài sản cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm được sự đồng thuận giữa tổ chức tín dụng, khách hàng và VAMC. Hay việc định giá khoản nợ chưa có quy định cụ thể, VAMC phải lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để thu hồi nợ.

VAMC không thể nhận bổ sung, thay thế tài sản bảo đảm đối với những khoản nợ xấu của các  tổ chức tín dụng mua bằng trái phiếu đặc biệt do không được nhận thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản trên đất của tổ chức.

Ngoài ra, VAMC cũng gặp khó khăn trong việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản hay việc kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng theo Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18/05/2013 về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC...

Cùng quan điểm với ông Hùng, một số chuyên gia cũng nhìn nhận thị trường thiếu những cơ chế điều tiết linh hoạt và hiệu quả trong hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu, dẫn đến hệ quả không thu hút được các tổ chức, nhà đầu tư có tiềm lực tham gia vào hoạt động xử lý nợ tại Việt Nam.

Đồng thời, việc bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài gặp một số vướng mắc vì theo quy định pháp luật hiện hành, việc nhận thế chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất... đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế.

Xử lý nợ xấu cần có cơ chế

Theo lý thuyết, Ngân hàng phải chịu trách nhiệm về nợ xấu, tuy nhiên nguồn gốc của nợ xấu là do các doanh nghiệp, hộ gia đình vay vốn nhưng không trả được nợ vay, vì cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Và nợ xấu không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống các tổ chức tín dụng, mà còn ảnh hưởng rất xấu đến cả nền kinh tế. 

Về vấn đề xử lý nợ xấu hiện nay, theo luật sư, Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, việc giảm nợ xấu mới chủ yếu là do trích lập, sử dụng dự phòng và chuyển sang VAMC. Vấn đề mấu chốt, thực tế là thu hồi nợ, trong đó có việc bán nợ theo giá thị trường và phát mại tài sản bảo đảm thu được tiền thật còn rất hạn chế.

Lý do là vì việc xử lý tài sản lại khó khăn, vì quy định của pháp luật còn nhiều vướng mắc và gần như phải có sự “đồng thuận” của khách hàng cũng như nhiều cơ quan, ban ngành liên quan. 

Luật sư Đức cho rằng nợ xấu đang là một nguy cơ rất lớn của nền kinh tế Việt Nam, vì vậy, nếu không có một đạo luật hay một số điều luật đặc biệt để xử lý, thì sẽ có nguy cơ kéo dài số năm giải quyết nợ xấu. 

Còn theo chuyên gia kinh tế, TS.Lê Xuân Nghĩa, đến giờ  doanh nghiệp và ngân hàng không còn đủ sức tự xử lý nợ xấu. Nếu nợ xấu không được giải quyết, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống các tổ chức tín dụng và kinh tế vĩ mô. “Chúng tôi cũng đã từng xử lý nợ xấu mà không có tiền. Không có tiền thì phải có cơ chế thật mạnh tay. Đó là chìa khóa để giải quyết vấn đề”, ông Nghĩa chia sẻ tại hội thảo chiều 26/10.

Đồng quan điểm với TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng cần có đạo luật riêng về xử lý nợ xấu, vì nếu sửa từng luật thì không kịp thời gian, trong đó, tăng quyền cho VAMC ở góc độ định đoạt tài sản, bán tài sản bảo đảm và được bán nợ xấu lãi hoặc lỗ.

Với thị trường mua bán nợ, cần phải theo cơ chế giá thị trường và cần sự chung tay, chung sức lãi lỗ cùng chịu giữa VAMC, ngân hàng…Bên cạnh đó, phải có một tổ chức độc lập cho việc định giá mua bán nợ để bảo đảm khách quan, minh bạch và có thể thống nhất về giá. Đồng thời, phải có những chính sách khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ông Lực cũng cảnh báo không có nguồn lực tài chính khó mà xử lý được nợ xấu.

Hồi tháng 4/2016, tại Lễ mít tinh kỷ niệm 65 năm ngành ngân hàng Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ động thực hiện hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền những quyết sách phù hợp về tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, giải phóng nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.

Ngân hàng Nhà nước cũng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm là xử lý nợ xấu. Nhưng thực tế hiện nay đang cho thấy việc xử lý nợ xấu đã không chỉ là việc riêng của ngành ngân hàng mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội để định hình những giải pháp quan trọng nhằm xử lý nợ xấu triệt để, tạo đà cho sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ nút thắt trong xử lý nợ xấu: Cần cơ chế