Kinh tế

Tháo gỡ những điểm “nghẽn” giúp người nông dân đạt lợi nhuận cao hơn

Minh Lý 24/11/2023 - 21:57

Chiều 24/11, tại tỉnh Hậu Giang đã diễn ra hội thảo “Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài?”. Đây cũng là một trong các sự kiện hướng đến “Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo - Hậu Giang 2023” sắp diễn ra tại Hậu Giang vào tháng 12/2023.

Tham dự hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, (dự trực tuyến); lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt, Chi cục Khuyến nông... của các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, nhà khoa học, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà nông.

Thời gian qua, tình hình xuất khẩu lúa gạo có nhiều biến động do một số cuộc xung đột đang xảy ra, hiện tượng El Nino, tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài khiến giá lương thực toàn cầu tăng đột biến. Đây là cơ hội cho Việt Nam - quốc gia chuyên sản xuất lúa gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, những tác động khách quan khiến cơ hội thuận lợi này không thể kéo dài.

dai-bieu-tham-gia-thao-luan-tai-hoi-thao..png
Đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo.

Trong bối cảnh đó, hội thảo được tổ chức nhằm tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp giúp ngành nông nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội, gia tăng sức cạnh tranh xuất khẩu và giải quyết bài toán lợi nhuận cho ngành sản xuất lúa gạo. Đồng thời đề xuất các chính sách nhằm tháo gỡ những điểm “nghẽn” giúp người nông dân đạt lợi nhuận cao hơn, doanh nghiệp phát triển.

Phát biểu trực tuyến từ Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng chúng ta đã chuyển từ tư duy phát triển đơn giá trị sang đa giá trị trên một diện tích sản xuất, trong đó có sản xuất lúa. Vì vậy, phải định vị lại thu nhập của người nông dân trồng lúa khác đi.

Theo đó, không chỉ là hạt lúa, hạt gạo mà còn hoạt động khác từ sản xuất, chế biến, bảo quản, đến làm kinh tế như du lịch nông nghiệp và các nghề phi nông nghiệp khác. Điển hình như ở Bạc Liêu, Sóc Trăng và một số địa phương khác đã phát triển mô hình con tôm, con cá và cây lúa, mà ở đó thu nhập từ cây lúa là phụ, thu nhập từ tôm, từ cá mới là chính.

Trong khuôn khổ hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị cần hướng đến 6 vấn đề, đó là: Phương thức canh tác; chi phí sản xuất; hợp tác; liên kết; thị trường; lợi nhuận và thu nhập.

Ngoài ra, cần phải làm rõ cơ cấu chi phí sản xuất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng thông qua các mô hình sản xuất tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ… Hội thảo cũng cần xác định rõ trong không gian giá trị, tìm kiếm giá trị mới hơn thay vì giá trị cân đo đong đếm trong sản xuất kinh doanh ngành hàng lúa gạo" – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên, với sự biến động mạnh của giá lúa trong thời gian qua, nông dân trồng lúa vô cùng phấn khởi vì bán được giá cao hơn những vụ trước, nhưng không khỏi lo lắng vì chi phí phân bón, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất theo đó cũng tăng đáng kể.

Cùng với đó, tác động xấu của biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và sản lượng lúa trong thời gian qua.

Nếu tình hình vật tư nông nghiệp và các khoản chi phí khác tiếp tục gia tăng như hiện nay, thì dù giá lúa gạo có tăng thì lợi nhuận thực sự của người nông dân vẫn tăng không đáng kể. Về lâu dài, khả năng người hưởng lợi từ thời cơ tăng giá lúa chưa hẳn đã là người nông dân.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã tham gia trình bày tham luận, kiến nghị những giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao, nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo, cùng với việc ổn định chi phí sản xuất, đảm bảo lãi tốt cho nhà nông; từng bước nâng tầm giá trị của sản phẩm lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và của Việt Nam nói chung, giải quyết bài toán lợi nhuận cho ngành sản xuất lúa gạo.

quang-canh-hoi-thao-.png
Quang cảnh Hội thảo.

Nhiều ý kiến cho rằng, tới đây cần tăng cường liên kết theo chuỗi để tối ưu hóa chi phí, nâng cao chất lượng, an toàn của sản phẩm. Phát triển khâu bảo quản, chế biến và đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo để xuất khẩu được giá cao. Bên cạnh đó, cần chú ý quản lý, khái thác tốt các nguồn phụ phẩm trong sản xuất lúa gạo như: Rơm rạ, trấu…để nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng.

Đồng thời, kiến nghị các chính sách thúc đẩy ngành lúa gạo, tận dụng thời cơ thuận lợi, củng cố dây chuyền sản xuất lúa, tháo gỡ những điểm “nghẽn” giúp người nông dân có lãi cao hơn, doanh nghiệp phát triển, vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa đẩy mạnh xuất khẩu trong những năm tới và nâng cao vị thế cạnh tranh xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ những điểm “nghẽn” giúp người nông dân đạt lợi nhuận cao hơn