Thanh tra nhà máy giấy Lee & Man: Trả giá

Bảo Dân| 01/07/2016 08:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Không hề tình cờ, ngẫu nhiên khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta đang phải trả giá khi phát triển kinh tế nhưng không đặt nặng bảo vệ môi trường.

Cảnh báo của Thủ tướng được đưa ra nhân việc Nhà máy giấy Lee & Man bị dư luận cho rằng đang tiềm ẩn nguy cơ bức tử sông Hậu. 

Trong thực tế đâu chỉ có một Nhà máy giấy Lee & Man mà đã  xuất hiện nhiều dự án tiềm ẩn nguy cơ tàn phá, thậm chí bức tử môi trường. Câu hỏi lớn được đặt ra là Luật Bảo vệ môi trường đã quy định phải có đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai dự án. Tuy nhiên đây chính là khâu sơ hở nhất, thiếu sót nhất khiến hàng loạt dự án lâm cảnh “bỏ thì thương vương thì tội”. Báo chí đã từng phát hiện cung cách đánh giá quấy quá, thậm chí người ta copy đánh giá tác động môi trường của dự án này để gắn cho dự án kia hòng qua mặt cơ quan chức năng. Dư luận nhớ đến ĐTM cho dự án lấp sông Đồng Nai làm nhà hồi nào. Dự án này đã bị đình chỉ nhưng hậu quả vẫn chưa xử lý được khi cả mấy chục vạn tấn đất đá đã đổ xuống lấp sông.

Thanh tra nhà máy giấy Lee & Man: Trả giá

Nhà máy giấy Lee&Man

Nỗi lo Nhà máy giấy Lee & Man ở Hậu Giang sẽ đổ xút bức tử sông Hậu khiến người ta nghĩ đến sự lựa chọn giấy hay dòng sông xanh? Rất nhiều chuyên gia khẳng định không ủng hộ dự án này được đầu tư ở một khu vực nhạy cảm bên dòng sông Hậu. Trong dự án này, bản ĐTM do nhà máy chuẩn bị chỉ lấy ý kiến của 20 hộ dân làm sao đại diện cho cả cộng đồng dân cư của lưu vực sông Hậu. Báo cáo này chỉ gửi văn bản cho UBND và Ủy ban MTTQ xã Phú Hữu A, sau đó thu lại ý kiến bằng văn bản.

Các chuyên gia khẳng định, cấp xã không có đủ năng lực để hiểu về những tác động môi trường. Họ đều trả lời trong văn bản ngày 24/9/2007 bày tỏ ủng hộ dự án và chỉ lưu ý cần thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường.

Theo báo cáo ĐTM, nhu cầu sử dụng nước sản xuất của nhà máy bột giấy tẩy trắng khoảng 230.000m3/ngày trong khi hệ thống xử lý nước thải chỉ có công suất 220.000 m3/ngày đêm. Người ta nghi ngờ công suất  xử lý nước thải thấp hơn lượng nước sử dụng và nếu nước thải được xử lý tốt thì tại sao không tái sử dụng mà phải thải ra sông Hậu? Kinh nghiệm của chúng ta là dù các nhà máy có hệ thống xử lý vẫn chưa thể tin tưởng được. Nếu vội vã, thiếu cẩn trọng thì chúng ta đang “chơi với lửa”. Nguồn nước sông Hậu liên quan đến hàng triệu người.

Không chỉ có các vị lãnh đạo, các chuyên gia, dư luận và người dân Đồng bằng sông Cửu Long đều lo ngại việc sẽ phải trả giá nếu coi nhẹ bảo vệ môi trường từng được đặt ra nhưng do nôn nóng phát triển, địa phương đã châm chước, sẵn sàng bỏ qua các yếu tố tác động xấu đến môi trường sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng.

Thời gian qua, hàng loạt dự án thủy điện nhỏ phân cấp cho địa phương cấp phép đã “góp phần” bức tử hàng triệu héc ta rừng. Ngay cả khi có quy định các dự án thủy điện phải trồng bù diện  tích rừng đã bị mất nhưng các chủ đầu tư vẫn không chịu thực hiện. Hệ lụy phải chịu đựng cho việc mất rừng là lũ lụt ở hạ du không thể quy ra thóc.

Sẽ là thiếu sót nếu không phê bình cơ quan tài nguyên - môi trường đã sao nhãng trách nhiệm đánh giá tác động, giám sát các hành vi có nguy cơ mất an toàn môi trường. Hãy hành động trước khi quá muộn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh tra nhà máy giấy Lee & Man: Trả giá