Trong Chiến dịch Thanh tra Lao động năm 2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thanh tra ít nhất 630 doanh nghiệp trong ngành xây dựng.
Theo báo cáo Bộ LĐTBXH năm 2015, trong số các vụ tai nạn lao động chết người, ngành xây dựng đứng đầu danh sách về số vụ cũng như số người chết với 38% tổng số nạn nhân tử vong khi đang làm việc và 35% tổng số vụ tai nạn lao động chết người. Ngành đứng thứ hai là cơ khí chế tạo, chiếm 8% số vụ và 7% số người chết. Trong năm 2015 xảy ra 6 vụ tai nạn lao động nghiêm, trong đó có tới 4 vụ xảy ra tại các công trường xây dựng.
Trước tình hình trên, bắt đầu từ tháng 3-2016, Bộ Lao động– Thương binh và Xã hội tiến hành thanh tra lao động với trọng điểm là ngành xây dựng. Chiến dịch này sẽ kéo dài từ tháng 3 đến tháng 11/2016.
Chiến dịch thanh tra lao động ngành xây dựng sẽ bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 11/2016. Ảnh: Báo Đồng Nai
Phát biểu tại Lễ phát động Chiến dịch Thanh tra Lao động năm 2016, Thứ Trưởng Bộ LĐTBXH, Phạm Minh Huân cho biết đây là một cách làm mới, đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội, bao gồm cả thanh tra lao động, tổ chức công đoàn...Đặc biệt quan trọng trong chiến dịch này là việc tập trung nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động và toàn xã hội về pháp luật lao động và các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực xây dựng, và tăng cường số lượng các doanh nghiệp, công trình xây dựng được thanh tra lên ít nhất là 630 đơn vị trên toàn quốc từ tháng 3 đến tháng 11-2016.
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, các nội dung thanh tran trọng điểm gồm thời giờ làm việc, làm thêm giờ; tiền lương; xây dựng nội quy và đào tạo về an toàn vệ sinh lao động; phương tiện bảo vệ cá nhân; tổ chức mặt bằng; sử dụng xe, máy, giàn giáo, giá đỡ, điện và thiết bị điện; công tác cốp pha, cốt thép và bê tông; công tác hàn, công tác hoàn thiện
Năm 2015, Bộ LĐTBXH cũng đã tổ chức một chiến dịch thanh tra lao động tập trung vào ngành dệt may.