Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm giảm tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, phép vua vẫn thua lệ làng, vẫn còn những vụ việc gần đây cho thấy thanh tra- kiểm tra vẫn là mối lo.
Chuyện động trời nhất vừa xảy ra đầu tháng 10, trưởng Phòng Thanh tra thuế Cục Thuế tỉnh Bình Định đã bị bắt quả tang khi ép doanh nghiêp hối lộ 130 triệu đồng. Hay câu chuyện về ông Phó Cục trưởng của Bộ Tài nguyên và Môi trường đi thanh tra mà mang theo gần 400 triệu đồng để rồi bị đánh cắp…
Còn nhớ trước khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị 20, có khoảng 13,8% DN bị kiểm tra từ 4 lần trở lên trong năm 2016. Trong những DN có từ 2 cuộc kiểm tra trở lên, 52,4% lượt bị hành. Nhiều DN cho rằng các cuộc kiểm tra kiểu này thường có nhiều nội dung giống nhau. Và cá biệt có những DN bị kiểm tra tới 9 lần trong một năm. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá tình trạng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán ở một số bộ, ngành, địa phương còn nhiều bất cập; đặc biệt là tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra của các bộ ngành.
Một số giám đốc DN khu vực phía Bắc cho hay năm 2017 các cuộc kiểm tra thanh tra đã giảm khoảng 20% so với năm ngoái. Chắc chắn là do tác động của Chỉ thị số 20 của Thủ tướng. Song thực tế, hoạt động thanh - kiểm tra vẫn còn nhiều và các DN vẫn phải chi phí cho các đoàn đến làm việc.
Các DN cho biết, lĩnh vực hay bị thanh tra, kiểm tra và bị gây khó dễ nhiều nhất là môi trường, thuế, hải quan… Trong đó, nhiều lĩnh vực hiện nay vẫn tồn tại tình trạng các văn bản pháp quy đan xen, chồng chéo, không rõ ràng, vận dụng sao cũng được.
Hình minh họa
Ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam cho rằng các Nghị quyết 19, 35 được liên tục triển khai từ năm 2014 đến nay là giải pháp đúng đắn khi đưa ra các bộ chỉ số lớn để đo mức độ cắt giảm thủ tục, sự hài lòng của DN. Ông đánh giá việc triển khai các nghị quyết đã tạo niềm tin cho DN.
Còn luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, cho rằng mấu chốt là thanh tra đúng đối tượng và cần thiết phải thanh tra. Ở đây đang có chuyện vòi vĩnh, nhũng nhiễu, không hỗ trợ, tạo điều kiện giúp cho DN chấp hành đúng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh mà lại săm soi, tìm cách kiếm chác.
Các chuyên gia nêu vấn đề chống tham nhũng, chống nhũng nhiễu DN phải bắt đầu bằng cách nào? Theo đó việc thanh - kiểm tra phải được thực hiện trên nguyên tắc "chọn lọc" bởi bản thân mỗi DN bị thanh tra một lần/năm vẫn là quá nhiều. Do vậy, có thể học hỏi cách kiểm soát DN của nước ngoài. Chẳng hạn tại Hà Lan, nhà quản lý dựa trên những dấu hiệu phát sinh từ cơ quan thuế để phát hiện DN nào trốn thuế, báo lãi hoặc lỗ đột ngột… để tiến hành thanh tra ở những điểm đó. Các DN khác được loại trừ và có thể yên ổn làm ăn trong nhiều năm.