Để thay đổi thói quen dùng tiền mặt đã ăn sâu trong đời sống của người Việt, bên cạnh sự định hướng của Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành, còn cần có sự tham gia của các doanh nghiệp như sự hưởng ứng tích cực của người dân.
Xu thế tất yếu
Thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu hướng phát triển chung của thế giới, giúp tăng tính minh bạch của nền kinh tế. Tại Việt Nam, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của TTKDTM, cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Mục đích nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt về TTKDTM trong nền kinh tế, thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông và tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán.
Đến Quý 4/2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn 137,6 triệu giao dịch với giá trị 73 triệu tỷ đồng. Ảnh minh họa
Tại Hội thảo “Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt”, đánh giá về sự phát triển của TTKDTM tại Việt Nam thời gian qua, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, TTKDTM đã có những chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng. Mạng lưới ATM/POS cũng được các ngân hàng chú trọng đầu tư, nâng cấp, sửa chữa để phục vụ khách hàng. Thẻ ngân hàng tiếp tục trở thành phương tiện quen thuộc của người dân; chất lượng dịch vụ thẻ cũng được các ngân hàng chú trọng và nâng lên. Đáng chú ý mặc dù tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt tại ATM vẫn tăng qua các năm, nhưng tốc độ tăng trong năm 2018 có xu hướng giảm dần. Thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công được chú trọng, tăng cường.
Ông Phạm Tiến Dũng cũng thông tin hiện đã có khoảng 30 ngàn điểm thanh toán QR code. Thanh toán qua di động đã tăng trưởng 128% so với 2017. Đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ công, năm qua kho bạc, ngành thuế, hải quan và điện lực đã làm rất tốt. Hiện 50% khách hàng ngành điện đã thanh toán qua ngân hàng.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, đến Quý 4/2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn 137,6 triệu giao dịch với giá trị 73 triệu tỷ đồng, gấp 13 lần GDP, tương ứng mức tăng 25% và 24% so với năm 2017. Hệ thống thanh toán điện tử bù trừ tự động cho các giao dịch bán lẻ với nhiều tính năng, tiện ích mới cũng đang gấp rút xây dựng, hoàn thiện để sớm đi vào vận hành trong năm 2019.
Chung tay thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Phân tích một số lợi ích cụ thể của thanh toán điện tử đối với các chủ thể trong nền kinh tế, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho hay với người tiêu dùng, thanh toán điện tử đem lại tiện ích và bảo mật cao hơn do họ giờ đây không phải phiền phức với việc nắm giữ, xử lý tiền mặt, dễ dàng tiếp cận tới nguồn tiền trong tài khoản ngân hàng và có được sự bảo vệ bí mật thông tin tài chính cá nhân tốt hơn từ các mạng chuyển mạch giao dịch thanh toán cung cấp dịch vụ.
Với các đơn vị bán hàng chấp nhận thanh toán (merchants), thanh toán điện tử mang đến cho họ sự tiện lợi, hiệu quả và giảm thiểu rủi ro, phần lớn có được do các đơn vị này không còn phải chịu chi phí xử lý lượng tiền mặt nắm giữ, thanh toán an toàn, bảo đảm hơn và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.
Chính phủ cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển sang thanh toán điện tử thông qua tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế và thu hẹp nền kinh tế ngầm với những giao dịch tiền mặt không được báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, cùng với đó là mở rộng tài chính toàn diện đến khu vực dân chúng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ ngân hàng. Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán như các ngân hàng, tổ chức chuyển mạch giao dịch thanh toán cũng hưởng lợi từ xu hướng tích cực này nhờ nâng cao hiệu quả xử lý và tăng doanh thu qua cung ứng một loạt sản phẩm, dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngân hàng cộng thêm tới cơ sở khách hàng rộng lớn hơn.
Dù có nhiều lợi ích nhưng một số chuyên gia cũng nhận xét TTKDTM vẫn còn gặp rào cản do tâm lý dùng tiền mặt của người dân còn phổ biến. Cùng với đó là tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới; cơ sở hạ tầng thanh toán tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị, chưa vươn tới được khu vực nông thôn. Ngoài ra, người dùng sợ tốn phí giao dịch, doanh nghiệp ngại phí chiết khấu, thậm chí thanh toán qua ngân hàng, các doanh nghiệp sợ minh bạch thuế nên còn cân nhắc.
Theo Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) Từ Tiến Phát, để thay đổi thói quen tiền mặt đã ăn sâu trong người dân cần định hướng của Chính Phủ, NHNN và các bộ ngành. Chính phủ, NHNN cần hoàn thiện hành lang pháp lý, kiến tạo các hệ sinh thái cho thanh toán số. Cùng với đó xây dựng các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tiện lợi, an toàn, xây dựng các chính sách ưu đãi cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó cũng cần vai trò tiên phong của các doanh nghiệp nhà nước cung cấp dịch vụ công.
Đại diện NHNN cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai một số định hướng, giải pháp lớn nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó giúp định hình và từng bước tạo dựng một xã hội không dùng tiền mặt tại Việt Nam.