Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh nội dung trên tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015) diễn ra sáng nay (16/12), tại Hà Nội.
Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015) thu hút 300 đại biểu đến từ Chính phủ, Bộ ngành và các tổ chức trong nước và quốc tế đa khai mạc sáng nay (16/12)
Với chủ đề "Kết nối và hợp tác" và hai nội dung thảo luận chính là Thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công & doanh nghiệp và Thanh toán điện tử trước xu hướng tiêu dùng mới; Thanh toán điện tử trước xu hướng tiêu dùng mới, diễn đàn đã thu hút gần 300 đại biểu đến từ Chính phủ, Bộ ngành và các tổ chức trong nước và quốc tế.
Trong khuôn khổ diễn đàn cũng diễn ra Lễ ký kết Thoả thuận ghi nhớ liên bộ về “Chương trình hành động thúc đẩy thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm bán lẻ”, dưới sự chứng kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn và Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là một sự kiện rất quan trọng, có ý nghĩa trong bối cảnh thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển rất nhanh, giao dịch qua mạng hàng năm đều tăng rất lớn nhưng thanh toán tiền mặt vẫn chiếm tỷ lệ đa số, với khoảng 65% tổng phương tiện thanh toán.
“Chúng ta đã biết nhiều giao dịch giữa Chính phủ, doanh nghiệp với người dân mặc dù đã đề ra từ rất lâu nhưng chưa thực hiện được. Vấn đề đặt ra là thanh toán điện tử có ích lợi không? Cả thế giới họ đã làm rồi. Ở những quốc gia phát triển, thanh toán điện tử chiếm tới 90% tổng thanh toán thì đã giúp GDP tăng khoảng 1%”, Phó thủ tướng nêu vấn đề.
Trao đổi tại diễn đàn, Phó Thủ tướng cũng cho biết: Năm 2014, khi Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, một trong những lý do, niềm tin các bộ, ngành có thể thực hiện được mục tiêu giảm hàng trăm giờ nộp thuế, bảo hiểm, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu chính là đẩy mạnh thanh toán điện tử.
Bên cạnh đó, hiện người dân có rất nhiều giao dịch trực tiếp với Nhà nước như nộp thuế hoặc những giao dịch với những DN cung cấp dịch vụ công như điện, nước, thanh toán bảo hiểm, khám chữa bệnh... là thị trường rất lớn cho giao dịch, thanh toán điện tử phát triển.
Thậm chí, một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy nếu một nền kinh tế sử dụng 90% thanh toán điện tử thì GDP sẽ tăng thêm khoảng 1%.
Tuy nhiên, dù có những ưu điểm, thuận lợi, tiềm năng lớn nhưng thanh toán điện tử ở Việt Nam vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng. Phương thức thanh toán bằng tiền mặt đối với các giao dịch điện tử ở Việt Nam hiện vẫn chiếm 60-65%. Bên cạnh đó, nhiều giao dịch giữa Chính phủ với DN, Chính phủ với người dân mặc dù đã được quy định sử dụng thanh toán điện tử nhưng trên thực tế vẫn dùng tiền mặt.
“Không kể những văn bản, quy định đầu tiên về thanh toán không dùng tiền mặt từ những năm 1960, đến năm 2005 chúng ta đã có Luật Giao dịch điện tử, quy định về hóa đơn điện tử (2012), cùng hàng loạt quyết định, nghị quyết, các đề án về Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến, về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển thương mại điện tử... nhưng đến hôm nay nhìn lại phải thừa nhận, thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng vẫn còn tiềm năng. Thanh toán điện tử còn thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng, kể cả giữa Chính phủ với DN, Chính phủ với người dân, DN với người dân”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá và đặt vấn đề: Tại sao thanh toán điện tử ở Việt Nam vẫn thấp như vậy, phải chăng do thói quen?
Khẳng định sự mong muốn, ủng hộ của Chính phủ cũng như độ sẵn sàng về điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh điểm mấu chốt đối với phát triển thanh toán điện tử ở Việt Nam chính là tuyên truyền, có cơ chế khuyến khích người dân thay đổi thói quen từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán điện tử.
“Khuyến khích này không chỉ từ chính sách cụ thể của cơ quan chức năng để giảm thanh toán tiền mặt, hay giải pháp công nghệ, giảm phí dịch vụ mà còn bắt đầu bằng việc tuyên truyền để người dân hiểu và quen dần với thanh toán điện tử”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn và tin tưởng “với sự chung tay của tất cả các cơ quan, bộ ngành, DN, thanh toán điện tử sẽ trở nên quen thuộc, thuận tiện hơn. Từ đó không chỉ giúp đất nước phát triển nhanh hơn mà còn góp phần làm minh bạch, chống tham nhũng, lãng phí”.