Thanh toán bằng thẻ: Lượng tăng mà chất chưa tăng

Mạnh Nguyễn| 23/11/2016 07:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo báo cáo tổng kết của Banking Việt Nam, tính đến cuối năm 2015, lượng thẻ phát hành trên toàn quốc là 99,5 triệu thẻ.

Thương mại điện tử đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Thanh toán điện tử qua hình thức thẻ thanh toán và ví điện tử cũng đã bước đầu phát triển ở nước ta thời gian qua. Tuy nhiên vì một vài lý do, trong đó có thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng Việt mà phương thức thanh toán điện tử vẫn còn có những hạn chế.

Thanh toán bằng thẻ: Lượng tăng mà chất chưa tăng

Theo Banking VN, tính đến cuối năm 2015, lượng thẻ phát hành trên toàn quốc là 99,5 triệu thẻ. Ảnh:Internet

Theo báo cáo tổng kết của Banking Việt Nam, tính đến cuối năm 2015, lượng thẻ phát hành trên toàn quốc là 99,5 triệu thẻ. Với số lượng thẻ trên, hiện Việt Nam có gần 17.000 máy ATM và 30.000 thiết bị chấp nhận thẻ…Năm 2015 số lượng thanh toán qua thẻ đạt tới 22,2 triệu khách hàng.

Cùng với sự gia tăng sử dụng thẻ là sự gia tăng của doanh số sử dụng và doanh số thanh toán. Nếu năm 2011 doanh số sử dụng là hơn 724 nghìn tỷ đồng và doanh số thanh toán hơn 895 nghìn tỷ đồng doanh số thanh toán. Đến năm 2015, các con số này lần lượt là hơn 1.637.000 tỷ đồng, 1.685.000 tỷ đồng. Các sản phẩm thẻ tín dụng càng ngày càng được đa dạng hoá. Hầu hết các thương hiệu quốc tế như American Express, Visa, MasterCard, JCB, Diners, Club, Discover, UnionPay đều đã có mặt tại Việt Nam.

Tại Hội thảo “Tương lai thanh toán bằng thẻ và tiền điện tử” do Bộ Công Thương tổ chức hôm 22/11,  TS Phạm Nguyên Minh Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương mại cho rằng thị trường thanh toán thẻ và tiềm lực của Việt Nam đều có sự tăng trưởng mạnh. Tuy vậy, theo ông Minh, việc thanh toán qua thẻ tín dụng mới chỉ chủ yếu thiên về số lượng chứ chưa thiên về chất lượng; tỷ lệ thẻ nội địa sụt giảm mặc dù vẫn cao (chiếm 91%) trong cơ cấu các loại thẻ; thanh toán thẻ vẫn qua rút tiền ATM (chiếm tới 85%), chỉ có 15% là phát sinh qua thanh toán...

Lý giải về những bất cập còn tồn tại trong thanh toán thẻ, Viện Nghiên cứu thương mại cho rằng một phần là do thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt vẫn còn lớn, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Hệ thống máy ATM tuy phát triển nhanh, nhưng phân bố lại chưa đều với số lượng máy chủ yếu là  ở khu vực thành thị, trong khi nông thôn miền núi còn hạn chế.

Một nguyên nhân khác được các chuyên gia chỉ ra là chi phí sử dụng thẻ tín dụng của chủ thể là rất lớn như phí thương niên, phí in bản sao kê, phí chậm thanh toán, phí rút tiền mặt tại ATM, phí chuyển đổi ngoại tệ…Cùng với đó là lãi suất cho vay qua thẻ vẫn được áp dụng ở mức rất cao trong khi mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm dần.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tuy đã có khá nhiều nhưng còn thiếu các chính sách mang tính đột phá để tạo một lực bẩy cho công cụ thanh toán thẻ và thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ hơn.

Trước thực trạng của việc thanh toán bằng thẻ, theo các chuyên gia, Chính phủ cần rà soát các văn bản quy định pháp luật trên cơ sở đánh giá hiệu quả các văn bản pháp luật đã ban hành đối với lĩnh vực này. Các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cần cung cấp nhiều dịch vụ sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt để khuyến khích người dân tiêu dùng bằng thẻ.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật hệ thống thanh toán, nghiêm túc tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế tối đa các rủi ro sự cố có thể xảy ra; cần quy định về các loại hình kinh doanh bắt buộc phải chấp nhận thanh toán qua ngân hàng ngay từ khi khởi sự kinh doanh nhằm minh bạch hoá nguồn thu từ hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, để khuyến khích thanh toán cần từng bước điều chỉnh giảm lãi suất và các khoản phí để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh toán bằng thẻ: Lượng tăng mà chất chưa tăng