Trong những ngày qua, toàn Đảng, toàn dân ta đã có dịp ôn lại không khí hào hùng của Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên. Tất cả đã khẳng định vai trò, quan hệ khăng khít không thể tách rời giữa Quốc hội với “ý Đảng lòng Dân”.
70 năm qua, những giá trị đó đã được kết tinh, tiếp tục kế thừa và phát huy qua các thế hệ. Đó cũng chính là nền tảng, là tài sản quý giá để cả dân tộc tự hào, vững tin bước vào hội nhập thế giới trong giai đoạn nhiều thách thức hiện nay.
Quốc hội mang trong mình sức mạnh của nhân dân
Ngày 6/1/1946, vượt qua mọi khó khăn của chống phá của các thế lực phản cách mạng, đồng bào cả nước nô nức từ miền xuôi đến miền ngược, người người, nhà nhà, từ già trẻ gái trai đều nô nức đến các điểm bỏ phiếu, cầm lá phiếu trên tay thực hiện quyền bầu cử, lựa chọn những người đủ đức, đủ tài gánh vác việc nước. Lần đầu tiên, người dân thực hiện quyền dân chủ sau bao năm dài bị kìm kẹp dưới ách thực dân, phong kiến. Tự hào thay, ngày hội non sông ấy lại diễn ra ở nơi mà mấy tháng trước còn là xứ thuộc địa, nơi hơn 90% người dân lần đầu làm chủ chưa biết viết lá phiếu làm sao cho đúng vẫn một lòng quyết tâm thực hiện quyền dân chủ của mình.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI - đại hội đổi mới năm 1986. Ảnh: Tư liệu
Có thể nói tổ chức Tổng tuyển cử là một quyết định sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của cách mạng, của Đảng lãnh đạo, giành và trao quyền dân chủ cho nhân dân, xây dựng nhà nước dân chủ pháp quyền của dân, do dân và vì dân - thể chế nhà nước tiến bộ nhất của nhân loại; cũng là thể chế mà Người lái con thuyền Cách mạng Việt Nam vượt qua bão giông đến bến bờ độc lập, tự do, hạnh phúc đã ấp ủ từ những năm đầu thế kỷ XX, khi bôn ba tìm đường cứu nước.
Trong bối cảnh lịch sử đất nước đầu năm 1946, Tổng tuyển cử đã bầu ra Quốc hội, Chính phủ chính danh, đại diện cho toàn thể dân tộc Việt Nam, làm tiền để tổ chức khối đại đoàn kết toàn dân kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Cuộc tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 được tiến hành theo nguyên tắc dân chủ tiến bộ nhất, đó là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín hoàn toàn thắng lợi. Trong số 333 đại biểu, có 57% là đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, còn 43% không đảng phái; 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu dân tộc thiểu số.
Nhìn nhận về ý nghĩa cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng ta tại Lễ mitting kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên vừa diễn ra đã khẳng định: “Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước Việt Nam. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 là thắng lợi của tinh thần yêu nước, truyền thống giữ vững độc lập, tự do của dân tộc; thắng lợi của chính thể dân chủ cộng hòa lần đầu tiên được thiết lập trên đất nước Việt Nam...
Trải qua 70 năm, với 13 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Các thế hệ đại biểu Quốc hội luôn thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; nhiều đại biểu đã chiến đấu anh dũng, hy sinh, cống hiến, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Cũng tại sự kiện trọng đại này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh, ngay từ những ngày đầu đất nước còn trong trứng nước, trong bối cảnh thù trong giặc ngoài, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng xung quanh Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, trao cho Quốc hội trọng trách ban hành Hiến pháp và lập nên các thiết chế của Nhà nước dân chủ nhân dân.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Quốc hội luôn gắn bó với nhân dân, mang trong mình sức mạnh của nhân dân, đồng hành cùng dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Mỗi bản Hiến pháp, mỗi đạo luật, mỗi nghị quyết, mỗi quyết định quan trọng của Quốc hội luôn gắn liền với vận mệnh của quốc gia, dân tộc, là sự kết hợp nhuần nhuyễn "ý Đảng, lòng Dân". Mỗi thành quả của Quốc hội là kết tinh sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phát huy thành tựu, tiếp tục đổi mới
Trên tinh thần xác định vị trí, vai trò Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội trong thời gian tới là rất nặng nề. Trong bối cảnh cả nước bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 hội quốc tế nhập sâu rộng, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế khi Cộng đồng ASEAN vừa hình thành, những biến động của khu vực tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực phát triển của đất nước. Việc xây dựng những chủ trương, ra đời và triển khai Luật, Nghị quyết và nhiều nội dung mang tính quyết sách không thể thiếu những tiếng nói đóng góp của đại biểu quốc hội và cử tri cả nước. Làm sao để thực thi quyền hạn và trách nhiệm cũng như trọng trách mà nhân dân giao phó.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự buổi gặp mặt. Ảnh: TTXVN
Về điều này, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Mỹ Hoa chia sẻ kinh nghiệm cho thấy, nếu ĐBQH tiếp xúc, gắn bó chặt chẽ, lắng nghe ý nguyện, chia sẻ cuộc sống của cử tri và nhân dân sẽ có nhiều thông tin thiết thực từ thực tiễn, tránh được tình trạng chủ quan, duy ý chí trong việc góp ý, xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại Quốc hội, tạo được sự đồng thuận, tin tưởng của cử tri và nhân dân. Ngược lại, nếu mối quan hệ này lỏng lẻo, không khăng khít, vô cảm, thiếu trách nhiệm thì hơi thở của cuộc sống không vào được với Quốc hội, hệ quả chính sách sẽ không đi vào đời sống xã hội, quyền lực nhân dân trao cho Quốc hội bị hạn chế.
Trước yêu cầu đẩy mạnh công cuộc đổi mới, theo bà Trương Mỹ Hoa, Quốc hội phải tiếp tục phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của 70 năm qua, đổi mới phương thức hoạt động theo tinh thần Hiến pháp mới, bám sát thực tế cuộc sống của cử tri và nhân dân.
Nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của Quốc hội đáp ứng nhiệm vụ chính trị của đất nước, cũng như nguyện vọng của nhân dân trong thời kỳ mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã nhấn mạnh, Quốc hội cần tập trung phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của 70 năm qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước. Đẩy mạnh hoạt động lập pháp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước. Tăng cường năng lực, đổi mới quy tình lập pháp, nâng cao tính chủ động trong hoạt động lập pháp; đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, đầy đủ, bảo đảm chất lượng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, tập trung giám sát những vấn đề lớn, bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội. Tăng cường giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, giải trình tại Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát.
Nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng thực chất hơn, bảo đảm lợi ích quốc gia, phù hợp ý chí, nguyện vọng của nhân dân, nhất là việc quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, về tài chính, ngân sách nhà nước, tổ chức bộ máy nhà nước, dự án, công trình quan trọng quốc gia. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại…
“Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị; sự ủng hộ và giám sát của nhân dân; sự hợp tác và giúp đỡ của bàn bè quốc tế, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức, phương hướng hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng khẳng định.