Tin địa phương

Thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương: Bước đột phá và cơ hội phát triển toàn diện

Ngọc Minh 09/12/2024 - 08:49

Sáng 30/11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương với tỷ lệ 95,62%, đánh dấu một cột mốc lịch sử quan trọng không chỉ cho Thừa Thiên Huế mà còn cho cả nước. Việc này mở ra một chương mới trong hành trình phát triển, tận dụng những tiềm năng to lớn về văn hóa, lịch sử và kinh tế mà vùng đất cố đô này mang lại.

Theo Nghị quyết được thông qua, thành phố Huế trực thuộc Trung ương được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 4.947,11 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đơn vị hành chính mới sẽ bao gồm 9 đơn vị cấp huyện, gồm 2 quận (Phú Xuân, Thuận Hóa), 3 thị xã (trong đó có thị xã mới Phong Điền), và 4 huyện. Hệ thống hành chính cấp xã sẽ có 133 đơn vị, gồm 78 xã, 48 phường và 7 thị trấn. Với tỷ lệ đô thị hóa đạt 63,02%, việc đồng thuận Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương vừa là niềm tự hào của nhân dân tỉnh nhà, vừa thể hiện khát vọng vươn tầm khu vực và quốc tế.

dji_0270-hdr-copy-1-.jpg
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương có 4.947,11 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện

Nghị quyết này không chỉ hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, mà còn phản ánh sự đồng thuận cao của chính quyền và nhân dân địa phương. Đây là bước đi chiến lược để phát huy giá trị di sản văn hóa cố đô, thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững và xây dựng một Huế hiện đại, thông minh nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc truyền thống.

Động lực phát triển kinh tế và đầu tư hạ tầng Huế sẽ trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng của miền Trung, sánh vai cùng Đà Nẵng và các đô thị lớn khác. Với danh xưng "thành phố trực thuộc Trung ương", Huế có cơ hội thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thị trường bất động sản dự kiến sẽ phát triển sôi động, tạo nền tảng cho việc xây dựng các khu đô thị hiện đại, hệ thống giao thông đồng bộ và các cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Các nguồn lực sẽ được tập trung để phục hồi, bảo tồn di sản vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận, đồng thời nâng cấp các công trình văn hóa, lịch sử. Cơ cấu kinh tế sẽ chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với trọng tâm vào ngành dịch vụ - du lịch, công nghiệp xây dựng và công nghệ. Điều này không chỉ giúp giảm tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp, mà còn tăng tỷ lệ lao động có trình độ cao, mang lại thu nhập ổn định hơn cho người dân.

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là động lực để Huế vươn lên thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á và thế giới

Phát triển đô thị thông minh và bền vững Thành phố Huế được định hướng xây dựng theo mô hình đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường. Việc thiết lập chính quyền đô thị sẽ giúp quản lý đất đai, trật tự xây dựng và quy hoạch phát triển đô thị hiệu quả hơn. Đồng thời, các dịch vụ hành chính công sẽ được cải cách theo hướng chuyển đổi số, giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí.

Thúc đẩy ngành du lịch và bảo tồn di sản bởi Cố đô Huế có bề dày lịch sử, văn hóa, Huế là lợi thế lớn để phát triển du lịch bền vững. Việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ giúp Huế thu hút nhiều khách du lịch quốc tế hơn nhờ thương hiệu mạnh mẽ và hạ tầng dịch vụ được nâng cấp. Các di sản như Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình, và các giá trị phi vật thể khác sẽ được bảo tồn và khai thác tối ưu.

Mặc dù triển vọng là rất lớn, nhưng việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cũng mang đến những thách thức không nhỏ. Một trong số đó là yêu cầu nâng cao trình độ quản lý và tổ chức chính quyền đô thị. Bộ máy hành chính cần được tinh gọn, hiệu quả hơn, đồng thời cải cách hành chính phải thực hiện quyết liệt để đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

pano0003-pano-1-.jpg
Thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thu hút nhiều nguồn đầu tư và làm thị trường bất động sản ở Huế sôi động

Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng sẽ đòi hỏi một sự quy hoạch chặt chẽ, tránh nguy cơ mất cân bằng giữa bảo tồn và phát triển. Thành phố cũng cần giải quyết vấn đề phân bố lực lượng lao động, đảm bảo an sinh xã hội cho các vùng ngoại thành khi cơ cấu kinh tế thay đổi. Việc đầu tư vào giáo dục, y tế và môi trường sống cũng phải được ưu tiên để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Người dân chính là đối tượng thụ hưởng lớn nhất khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Với quy hoạch đô thị hiện đại, văn minh, người dân sẽ được sống trong một môi trường tiện nghi, thuận lợi cho việc học tập, làm việc và sinh hoạt. Các cơ sở hạ tầng mới như trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội khác.

Ngoài ra, quá trình đô thị hóa cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, từ đó tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Những thay đổi trong cơ cấu lao động sẽ khuyến khích người dân học tập, nâng cao trình độ để phù hợp với các ngành nghề mới. Cộng đồng cũng sẽ dần điều chỉnh lối sống, hành vi theo hướng văn minh, tiến bộ hơn, phù hợp với hình ảnh một đô thị hiện đại.

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương không chỉ là dấu ấn về mặt hành chính, mà còn là bước đột phá để khẳng định vị thế của Huế trên bản đồ phát triển quốc gia và quốc tế. Đây là cơ hội để thành phố khai thác tối đa tiềm năng, đưa những giá trị văn hóa, lịch sử của cố đô lan tỏa mạnh mẽ hơn, đồng thời xây dựng một đô thị kiểu mẫu, thân thiện với môi trường.

Với sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân, cùng sự hỗ trợ từ Trung ương, Huế không chỉ là niềm tự hào của miền Trung mà còn là biểu tượng văn hóa, di sản độc đáo của Việt Nam trên thế giới. Đây cũng chính là tiền đề để Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện, hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố di sản, bền vững và thịnh vượng trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương: Bước đột phá và cơ hội phát triển toàn diện