Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 44, sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo nghị quyết quy định 6 nhóm chính sách lớn gồm: quản lý đầu tư; quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố Hải Phòng quản lý; thành lập và các cơ chế, chính sách trong khu thương mại tự do (TMTD) thế hệ mới tại thành phố Hải Phòng.
Theo nghị quyết, khu thương mại tự do là khu vực có ranh giới địa lý xác định, nơi thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, dịch vụ thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp, hoạt động nghiên cứu và phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Dự thảo nghị quyết đề xuất phân cấp cho HĐND thành phố quyết định thành lập, mở rộng, điều chỉnh ranh giới khu thương mại tự do Hải Phòng gắn với khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng tương tự như khu công nghiệp.
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi đề nghị đánh giá tổng thể, từ đó mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết này cho địa bàn mới được sáp nhập; xây dựng chính sách đột phá, sáng tạo, bao quát, toàn diện. Đối với phần địa bàn mở rộng sau sáp nhập, đề nghị có chính sách đặc thù phù hợp để phát huy lợi thế, đặc điểm riêng biệt về vị trí địa lý, kinh tế, văn hóa.
Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ có văn bản gửi Bộ Chính trị xin ý kiến về áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Hải Phòng sau khi triển khai sáp nhập, mở rộng diện tích, tạo thuận lợi cho quá trình Quốc hội xem xét, thông qua và tổ chức thực hiện.
Về cơ chế tài chính, Chủ tịch Quốc hội thống nhất phải ưu đãi hơn mức quy định hiện hành. Cụ thể, theo Nghị quyết số 35/2021/QH15, TP. Hải Phòng được giữ không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn để đầu tư hạ tầng. Dự thảo Nghị quyết đề xuất nâng lên mức 80 - 85%. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mức đề xuất này là hợp lý, đồng thời cũng đánh giá cao việc dự thảo Nghị quyết cho phép thí điểm phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu hạ tầng với lãi suất ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân; thống nhất việc thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn, TP. Hải Phòng đi đầu trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số; tiếp tục thể chế hóa, đưa Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, các luật về khoa học, công nghệ vào phát triển TP. Hải Phòng.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị dự thảo Nghị quyết cần nhấn mạnh việc tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính sẽ quyết định cho sự phát triển TP. Hải Phòng trong thời gian tới; chú trọng bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, quy định đánh giá tác động môi trường chặt chẽ hơn cho các dự án lấn biển, khu công nghiệp, đô thị hóa; thí điểm các dự án kinh tế xanh như nuôi trồng thủy sản bền vững, du lịch sinh thái, sử dụng năng lượng tái tạo trong các khu công nghiệp.