Ngày 2/10 tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội thảo khoa học "Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình”. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo.
Dự hội thảo có Ban liên lạc học sinh miền Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các vụ, viện, trường đại học, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học ở Trung ương có bài tham luận tại hội thảo; đại biểu các tỉnh, thành phố: Đồng Tháp, Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, đoàn thể, sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố; các nhà khoa học…
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của việc Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ quyết định lãnh đạo, chỉ đạo công tác đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra miền Bắc.
Theo đó, cuối tháng 8/1954, sau đúng 1 tháng ký Hiệp định Giơnevơ, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị, trong đó nêu rõ: “Cần tổ chức một cuộc tuyên truyền, giáo dục một cách sâu rộng cho cán bộ và đồng bào ở địa phương về nghĩa vụ đón tiếp bộ đội, thương binh, cán bộ và đồng bào miền Nam ra... Phải làm cho cán bộ và nhân dân nhận thấy việc đón tiếp và giúp đỡ này là một nghĩa vụ và cũng là một vinh dự của mình. Cần có thái độ ân cần, chăm sóc, giúp đỡ như đối với anh chị em ruột thịt, càng không phải là có thái độ ban ơn, mà chính là phải có thái độ đối với những người có công đối với Tổ quốc, có công với bản thân mình và đã cùng mình chiến đấu gian khổ lâu nay"...
Có thể nói, đây không chỉ là đợt chuyển quân thông thường, mà còn là đợt chuyển quân mang trong đó những chủ trương, chính sách về quản lý, đãi ngộ, sử dụng và bồi dưỡng - đào tạo đội ngũ cán bộ, vừa góp phần cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước sau này.
Sự kiện này chứng tỏ, nhân dân hai miền Nam - Bắc luôn đoàn kết một lòng, sẵn sàng vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, dũng cảm trong xây dựng và chiến đấu, góp phần viết nên trang sử oanh liệt trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.
Thực hiện nhiệm vụ của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ giao, bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, Thanh Hóa đã tổ chức đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tại các địa điểm: Sầm Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa... Địa điểm đầu tiên đón tiếp là Lạch Hới, xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn). Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, việc đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đã diễn ra chu đáo, thân tình, với tình cảm ruột thịt Bắc - Nam một nhà.
Từ ngày 25/9/1954 đến ngày 1/5/1955, Thanh Hóa đã đón tiếp 7 đợt gồm 1.869 thương bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ tập kết ra Bắc. Tỉnh đã chỉ đạo Ty Thương binh mượn nhà dân để thành lập và tổ chức 12 trạm đón tiếp. Ngành y tế đã xây dựng một trạm cấp cứu tại Sầm Sơn, 2 trạm y tế đặt ở 2 xã Hoằng Quang và Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), xây bệnh xá ở xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa) để kiểm tra sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam. Cùng với việc chuẩn bị cơ sở vật chất đón tiếp, tỉnh đã chỉ đạo các huyện ủng hộ bằng vật chất để giúp đỡ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết.
Ngay khi vừa đặt chân lên mảnh đất Sầm Sơn, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đã được Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa tiếp đón bằng tất cả sự chân thành, yêu thương và tình cảm ruột thịt. Sống trong vòng tay yêu thương trên đất Bắc, hàng vạn người con phương Nam đã học tập, lao động, công tác, rèn luyện và chiến đấu. Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt; khi đêm về thì đau đáu nỗi nhớ quê, tìm đến nhau, thông báo từng mẩu tin nơi quê nhà, rồi lặng im nhìn nhau, đong đầy niềm thương nhớ.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nêu rõ: Hội thảo là dịp để cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc và mãi khắc ghi một sự kiện lịch sử quan trọng trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của đất nước; càng tự hào với truyền thống đoàn kết, yêu nước trong suốt hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc; tự hào với tinh thần yêu nước, dũng cảm, kiên cường, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Trong quá trình chuẩn bị hội thảo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã nhận được gần 60 báo cáo tham luận của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí nguyên là con em, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc; các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và cơ quan, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Mỗi tham luận gửi đến hội thảo là một công trình nghiên cứu khoa học công phu, tâm huyết của các tác giả, các tập thể, được tiếp cận từ nhiều nguồn sử liệu khác nhau, từ nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng tất cả đều khẳng định chủ trương, đường lối vô cùng sáng suốt, đúng đắn của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ kính yêu đối với cuộc chuyển quân này; khẳng định những đóng góp to lớn cả về tinh thần và vật chất của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nói riêng và các tỉnh miền Bắc nói chung đối với đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc.
Phát biểu chỉ đạo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội thảo này. Theo ông, đây là hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc; là dịp khẳng định những tình cảm sâu nặng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thanh Hóa và nhân dân miền Bắc đối với đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc…
"70 năm đã trôi qua nhưng tình cảm và trách nhiệm của nhân dân miền Bắc, trong đó có nhân dân tỉnh Thanh Hóa đối với đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc mãi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc ta, khẳng định chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một"; là biểu tượng sinh động về nghĩa tình đồng bào, đồng chí yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh; là bài học kinh nghiệm quý báu về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng tin tưởng thông qua những bài viết và ý kiến tham luận tại hội thảo sẽ bổ sung, làm sâu sắc cơ sở khoa học và thực tiễn về một sự kiện quan trọng trong lịch sử cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời cung cấp thêm nguồn thông tin, tư liệu quý giá phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để phát huy hiệu quả các kết quả nghiên cứu, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo ban tổ chức và các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, khẳng định về vị trí, vai trò, tầm vóc của sự kiện tập kết ra Bắc. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các đại biểu, diễn giả tiếp tục nghiên cứu, khai thác, phát huy, vận dụng các bài học kinh nghiệm về sự kiện lịch sử trọng đại này trong công cuộc đổi mới của đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như công cuộc hội nhập quốc tế.
Đồng thời, Thanh Hóa cần chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Lễ khánh thành công trình Khu lưu niệm đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc và Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại TP Sầm Sơn. Tiếp tục nghiên cứu, đầu tư xây dựng, sưu tầm, bổ sung phong phú tư liệu vào Khu lưu niệm, tạo thành điểm đến tham quan, thu hút du khách trong và ngoài nước.