Vào 15 giờ chiều ngày 29/1, Đội CSĐT tội phạm về kinh tế thuộc Công an TP.Thanh Hóa đã phá chuyên án sản xuất mì chính giả với quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại số nhà 6/85 phố Đinh Lễ, phường Lam Sơn, TP.Thanh Hóa.
Đây là cơ sở sản xuất mì chính giả do Nguyễn Thị Cẩm Hường (SN 1979, trú 29N1, khu đô thị Bình Minh, phường Đông Hương) làm chủ).
Tại hiện trường cơ quan điều tra thu được 80 bao tải đựng mì chính giả, trên bao bì có ghi chữ Trung Quốc, trọng lượng mỗi bao nặng 25kg. Ngoài ra còn nhiều loại hàng hóa khác như bột nêm, bột chiên mực, dung dịch đặc dùng để nấu lẩu không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng bị lực lượng chức năng thu giữ.
Tại căn nhà ở số 6/85, phố Đinh Lễ cơ quan chức năng còn tiếp tục thu giữ gần 100 gói mì chính giả được bà Hường xếp thành từng chồng cao.
Tại điểm sản xuất còn có 18 thùng mì chính với khoảng gần 1.000 gói mì đang chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Theo lời khai của bà Nguyễn Thị Cẩm Hường cho biết, mì chính giả được bà mua về sau đó sản xuất sang các bao nilon nhỏ được in nhãn mác của các thương hiệu mì chính Miwon, Ajinomoto, A-one…
Cơ quan công an đang lập biên bản
Nếu nhìn bằng mắt thường không thể nhận biết được những gói mì chính giả, bởi hình ảnh, chữ, tên thương hiệu trên vỏ bao đều được in ấn rất sắc nét và đều là tên của các hãng nổi tiếng. Không chỉ có mì chính, bột nêm cũng được làm giả bao bì với trọng lượng lên tới hơn 10kg/bao cũng đóng thành các túi nhỏ từ 0,5kg đến 1kg mang thương hiệu K-norr.
Tại điểm sản xuất này còn có nhiều hộp sắt lớn ghi dòng chữ Lion Custard nhưng phía dưới có ghi chữ Trung Quốc. Theo chủ cơ sở thì đây là loại bột dùng để bao chiên tôm, mực. Cũng tại đây, Đội CSĐT tội phạm về kinh tế Công an TP.Thanh Hóa còn thu giữ hai máy dán miệng túi, nhiều loại sản phẩm hàng hóa khác.
Trao đổi với PV, một điều tra viên Đội CSĐT tội phạm về kinh tế Công an TP.Thanh Hóa cho biết; thời gian gần đây, có nhiều nguồn tin phản ánh từ nhân dân về cơ sở sản xuất mì chính giả này.
Theo đó, cứ 19 giờ hàng ngày, Nguyễn Thị Cẩm Hường nhập hàng mì chính giả về kho. Tiếp theo, các loại mì chính, bột nêm giả được bà Cẩm Hường chiết xuất sang các gói nhỏ rồi đưa ra xe ôtô khách chuyển về các huyện tiêu thụ. Bình quân mỗi ngày, Nguyễn Thị Cẩm Hường sản xuất từ 30-40 triệu đồng tiền hàng so với giá trị thực của loại hàng hóa giả.
Bao bì được làm giả nhãn mác tinh vi
Theo lời khai của chủ cơ sở, mỗi một gói mì chính giả trọng lượng 0,5kg, được cơ sở này bán có giá hơn 10 nghìn đồng nhưng đến tay người tiêu dùng thì giá tăng lên mức hơn 30 nghìn đồng/gói.
Bà Cẩm Hường khẳng định, bà chỉ sản xuất để bán chứ gia đình không bao giờ dùng loại mì chính giả này.
Được biết, cơ sở này bắt đầu sản xuất mì chính giả từ đầu năm 2014 tới nay. Bình thường bà Hường chỉ nhập về ít, nhưng đây là dịp cuối năm nên bà nhập về khoảng 2,5 tấn mì chính giả. Bà Hường nhờ thêm người em tên Nguyễn Thị Sinh (SN 1987, trú 95, phố Đinh Lễ) cùng tham gia sản xuất hàng giả để tung ra thị trường kiếm lời lớn.
Đến 19 giờ cùng ngày, cơ bản việc khám xét đã kết thúc, hiện Đội CSĐT tội phạm về kinh tế Công an TP.Thanh Hóa đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc để xử lý trước pháp luật.