Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị liên quan đã xây dựng Bản đồ dịch tễ, các điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn nhằm đáp ứng kịp thời, hiệu quả cho công tác phòng chống dịch trong tình hình mới.
Bản đồ kiểm soát dịch bệnh Thanh Hóa sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về điểm bán hàng thiết yếu; trạm y tế, điểm khai báo y tế; địa điểm xét nghiệm Covid-19; chốt kiểm dịch, nơi F0 đến; khu vực phong tỏa, điểm cách ly tại nhà. Trên bản đồ chia theo các mức độ nguy cơ tương ứng với các màu sắc khác nhau. Những nơi nào đang có dịch Covid-19 sẽ có màu đỏ hình tròn, đánh dấu nhân. Bản đồ tích hợp có thể xem, tra cứu trên Google Maps một cách dễ dàng.
Ngoài ra, Bản đồ cung cấp hơn 300 điểm bán hàng thiết yếu theo hình thức trực tuyến trong tỉnh Thanh Hóa bao gồm các siêu thị, cửa hàng, nhà thuốc, cửa hàng Gas, Doanh nghiệp bưu chính đang hoạt động. Số lượng điểm bán hàng này sẽ được cập nhật thường xuyên lên khoảng 2.000. Trong đó, mỗi điểm cung cấp hàng hóa bao gồm các thông tin tên, địa chỉ, thời gian hoạt động, số điện thoại liên hệ, các hình thức mua hàng trực tuyến có thể chọn lựa như qua điện thoại, Zalo, Website,…Qua đó, giúp cho người dân có thể tìm kiếm, liên hệ và đặt mua hàng hóa trực tuyến xung quanh mình hoặc tại một vị trí bất kỳ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời người dân có thể tra cứu các thông tin theo từng địa bàn huyện, thị xã, thành phố nhằm đáp ứng kịp thời, hiệu quả cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Anh Nguyễn Văn Hưng (trú tại xã Đông Thắng, Triệu Sơn) khi trải nghiệm Bản đồ kiểm soát dịch cho hay: “Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 15, 16 sẽ hạn chế tối đa việc di chuyển qua địa bàn. Hôm trước tôi có việc phải đi thành phố Thanh Hóa khi đang thực hiện giãn cách xã hội, có bản đồ kiểm soát dịch tôi biết được khu vực nào đang có nguy cơ cao, những địa điểm nào đang mở cửa bán hàng rất tiện lợi. Không biết đường chỉ cần kích vào địa điểm là kết nối tới Google Maps đi theo hướng dẫn. Việc ứng dụng công nghệ vào trong cuộc sống là rất có lợi cho người dân.”
Trao đổi với PV, ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa cho hay: Trước tình hình dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, các địa phương có thể phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Dẫn đến việc đi lại, mua bán hàng hóa cũng gặp không ít khó khăn cùng với nhiều yêu cầu về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong hoạt động mua bán hàng hóa thiết yếu. Trước thực trạng đó, ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh đã xây dựng bản đồ các điểm bán hàng thiết yếu trực tuyến để người dân trong tỉnh tiếp cận, tìm thông tin về điểm bán hàng thuận lợi, mua hàng hóa một cách nhanh chóng và an toàn, tránh mất thời gian di chuyển nhiều nơi. Dữ liệu về danh sách các cơ sở hàng hóa được cung cấp bởi các ngành, địa phương và được Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa cập nhật liên tục.
Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa hy vọng bản đồ kiểm soát dịch, cung cấp hàng hóa thiết yếu online và các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin đã được triển khai trước đây là công cụ hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả cho người dân.
Tính từ ngày 27/4/2021 đến chiều ngày 16/9, Thanh Hoá ghi nhận 461 ca bệnh dương tính cộng dồn; 304 người điều trị khỏi ra viện; 2 ca tử vong; số bệnh nhân còn lại hiện đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa.
Được biết, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Thanh Hóa Đỗ Hữu Quyết được vinh danh lãnh đạo chuyển đổi số tiêu biểu năm 2021. Thanh Hóa đã triển khai hạ tầng mạng truyền dẫn băng thông rộng phục vụ chuyển đổi số đã được triển khai đến 97,38% thôn bản; phủ sóng thông tin di động 4G đến 98,69% thôn, bản, cụm dân cư; 100% các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng; trục tích hợp nội tỉnh LGSP phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã; 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã có mạng LAN kết nối Internet.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước đã có bước phát triển đột phá; 100% lãnh đạo, cán bộ công chức trong các cơ quan, đơn vị đã thay đổi thói quen làm việc từ hành chính, giấy tờ sang điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử; tỷ lệ văn bản điện tử có ký số trong các cơ quan nhà nước đạt trên 99%; từ ngày 1/1 đến 15/8/2021 có 1.302.187 lượt văn bản điện tử được gửi trên hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc.
Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng phát triển; Cổng dịch vụ công của tỉnh và Hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã liên thông, đồng bộ, góp phần hiện đại nền hành chính của tỉnh. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đăng tải 1.962 TTHC, trong đó, cung cấp 831 TTHC mức độ 3, mức độ 4; đã tích hợp 705 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công Quốc Gia. Tỷ lệ tiếp nhận, giả quyết hồ sở trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng tăng; tính từ ngày 1-1 đến ngày 15-8-2021, toàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết trực tuyến 150.382 hồ sơ TTHC (mức độ 3 là 55.550 hồ sơ, đạt tỷ lệ 88,95%; mức độ 4: 94.832 hồ sơ, đạt tỷ lệ 82,49%)... Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai tại 356 điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.