Bức tranh chung của Thanh Hóa thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách. Cấp ủy, chính quyền địa phương phải đoàn kết, vững vàng, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp phát triển, tạo công ăn việc làm, triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư công.
Ngày 22/6, UBND tỉnh Thanh Hóa đã họp thường kỳ, nghe báo cáo 6 tháng đầu năm. Theo đó, kinh tế tiếp tục có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm ước đạt 7,0%. Trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,87%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,55%; dịch vụ tăng 8,1%.
Hoạt động thương mại nội địa tăng trưởng mạnh, nguồn cung hàng hóa dồi dào; giá các hàng hóa trên địa bàn tỉnh ổn định, không có hiện tượng găm hàng, sốt giá. Hoạt động du lịch duy trì đà phục hồi mạnh mẽ; nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch gắn với khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến năm 2023 được tổ chức, thu hút du khách đến với tỉnh. Qua thống kê, tổng lượng khách du lịch 6 tháng ước đạt 8.354 nghìn lượt, tổng thu du lịch ước đạt 15.072 tỷ đồng.
Thanh Hóa tổ chức thành công các sự kiện nhân Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại tỉnh Thanh Hóa, góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế của tỉnh Thanh Hóa, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư tiếp tục được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực.
Tính đến ngày 19/6, trên địa bàn tỉnh có 1.287 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 42,9% kế hoạch, bằng 78,4% so với cùng kỳ, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và thứ 8 cả nước, vốn điều lệ đăng ký đạt 8.877 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân 6,9 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, lực cản khiến kinh tế, xã hội còn ảm đạm. Trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện; Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 tỉnh Thanh Hóa còn rất chậm.
Chất lượng của nhiều đồ án quy hoạch xây dựng tuy đã được cải thiện nhưng còn hạn chế, nhất là quy hoạch xây dựng xã. Tình trạng xây dựng, cơi nới trái phép, lấn chiếm đất đai của các hộ gia đình, cá nhân riêng lẻ vẫn còn diễn ra, chưa được xử lý triệt để.
Tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp qua nhiều năm vẫn còn chậm và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng hạ tầng của các dự án thứ cấp. Tiến độ hoàn chỉnh thủ tục đầu tư các dự án đầu tư công khởi công mới còn rất chậm. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch…
Nguyên nhân được chỉ ra một phần do các quy định của luật còn chồng chéo, bất cập, vướng mắc khi triển khai thực hiện cần sự hướng dẫn của cấp trên. Mặt khác, cán bộ còn chưa mạnh dạn, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Qua báo cáo cũng như ý kiến thảo luận của đại biểu tại phiên họp, nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế được nhận diện đó là nhu cầu vốn để giải phóng mặt bằng, đầu tư các dự án hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công năng lực chủ đầu tư còn hạn chế. Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa một số đơn vị chưa chặt chẽ.
Một số ngành, địa phương chưa quan tâm, sâu sát đối với nhiệm vụ quy hoạch; năng lực của một số đơn vị tư vấn lập quy hoạch còn yếu. Nhiều chủ đầu tư trách nhiệm chưa cao trong công tác chuẩn bị các thủ tục đầu tư, dẫn đến tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”; thiếu quyết liệt, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công...
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhận định, dù khó khăn chung nhưng Thanh Hóa vẫn có những điểm sáng trong phát triển kinh tế, xã hội. Điều đó cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền đã đồng hành cùng doanh nghiệp, nhân dân. Đó là cơ sở để các cấp, các ngành, các địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục giữ vững tinh thần đoàn kết, nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Về nhiệm vụ này, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, trách nhiệm thuộc sở, ngành, địa phương nào thì sở, ngành, địa phương đó phải chủ động tháo gỡ. Đề nghị Sở Xây dựng chỉ đạo, thực hiện quyết liệt việc công bố đơn giá nguyên, vật liệu xây dựng theo yêu cầu.