Kinh tế

Thanh Hóa thành lập 5 tổ công tác tháo gỡ vướng mắc đầu tư công

Thanh Phương 09/04/2023 - 10:19

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định thành lập 5 tổ công tác (do Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch tỉnh làm tổ trưởng) kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; các Chương trình mục tiêu Quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

a1dautcong_thanhhoa9.4.jpg
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa kiểm tra một số dự án trên địa bàn (Ảnh minh họa)

Cụ thể, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa làm Tổ trưởng tổ 1, thực hiện các nhiệm vụ theo lĩnh vực, địa bàn kiểm tra, đôn đốc đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài, các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế xã hội.

Tổ công tác số 2 do ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Tổ trưởng, thực hiện nhiệm vụ theo lĩnh vực được giao, kiểm tra, đôn đốc dự án địa bàn thuộc lĩnh vực khu kinh tế, khu công nghiệp.

Tổ công tác số 3 do ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch làm Tổ trưởng, được giao kiểm tra đôn đốc các địa bàn, các dự án thuộc lĩnh vực giao thông.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng tổ 4, phụ trách các lĩnh vực, địa bàn kiểm tra, đôn đốc các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới.

Tổ công tác số 5 do ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, phụ trách các lĩnh vực, địa bàn kiểm tra gồm các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.  

Nhiệm vụ của các Tổ công tác là tham mưu giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 do tỉnh quản lý, phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch.

Tổ công tác sẽ làm việc với từng chủ đầu tư, đơn vị có liên quan để nắm bắt tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Qua đó kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.

Theo số liệu của UBND tỉnh Thanh Hóa, năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ quyết định là trên 12.505 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là trên 8.805 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương là gần 3.700 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn vốn được giao, tỉnh Thanh Hóa đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết trên 10.335 tỷ đồng, bằng 82,6% kế hoạch.

Việc chia theo nhóm các dự án để có cái nhìn toàn diện, vướng mắc cụ thể của mỗi loại dự án đặc thù để tìm cách tháo gỡ là cách làm hay, sát thực tế. Thanh Hóa đã điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn. Tính đến ngày 20/3, giá trị giải ngân của tỉnh Thanh Hóa ước đạt trên 1.200 tỷ đồng, bằng 11,6% kế hoạch, nằm trong nhóm các tỉnh đứng đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công.

Thế nhưng qua khảo sát, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện vẫn còn 23 dự án gặp khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển mục đích sử dụng đất; 9 dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến giá nguyên vật liệu tăng cao; khan hiếm nguồn cung vật liệu đất đắp; điều chỉnh dự án đầu tư; 6 dự án gặp khó khăn, vướng mắc khác.

Bên cạnh đó, còn có 31 dự án giao vốn từ năm 2022 và 7 dự án giao vốn năm 2023 chưa lựa chọn được nhà thầu xây lắp, dẫn đến chủ đầu tư chỉ mới giải ngân số vốn bố trí cho các chi phí chuẩn bị đầu tư.

Việc chậm giải ngân đầu tư công của những năm trước và cộng hưởng bởi nhiều yếu tố không thuận lợi đã làm ảnh hưởng tới tốc độ phát triển của xứ Thanh. Tổng thu ngân sách Nhà nước quý 1/2023 của tỉnh này ước đạt hơn 10.000 tỷ đồng, giảm 20,4% so cùng kỳ. Trong khi, tổng chi ngân sách của tỉnh Thanh Hóa quý I/2023 ước đạt gần 12.000 tỷ đồng.

Trong số tổng thu ngân sách quý 1/2023 của tỉnh Thanh Hóa, thu nội địa đạt trên 6.200 tỷ đồng (đạt 28,5% dự toán), giảm 25,1% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 4.150 tỷ đồng (đạt 30,0% dự toán), giảm 12,1% so với cùng kỳ.

Được biết, dự toán thu ngân sách năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa là 35.430 tỷ đồng. Trong đó thu nội địa là 21.840 tỷ đồng; thu từ đất là 7.100 tỷ đồng; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 23 tỷ đồng; thu nội địa khác là 14.717 tỷ đồng.

Thanh Hóa đang từng bước trở thành cực tăng trưởng mới của phía Bắc, các cơ quan chức năng cần “xắn tay” cùng với các đơn vị, chủ đầu tư, doanh nghiệp giải các điểm vướng mắc, tạo cơ chế, hành lang thông thoáng. Đó chính là động lực để xứ Thanh vươn mình phát triển thịnh vượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa thành lập 5 tổ công tác tháo gỡ vướng mắc đầu tư công