Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hàng loạt các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ dăm thi nhau mọc lên một cách tự phát.
Điều này không chỉ phá vỡ quy hoạch, đe dọa an ninh rừng, tình trạng tranh mua, tranh bán diễn ra khiến an ninh trật tự trở nên phức tạp. Nhưng khi được hỏi, các cơ quan quản lý lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Ngày 1/12/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định số 5115/QĐ-BNN-TCLN, phê duyệt phương án quản lý sản xuất dăm gỗ giai đoạn 2014-2020. Nhằm quản lý chặt chẽ việc sản xuất, chế biến dăm gỗ xuất khẩu, hạn chế tối đa việc sử dụng nguyên liệu gỗ khai thác từ rừng trồng để sản xuất dăm gỗ… nên Bộ đã Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương triển khai quán triệt nội dung phương án một cách đầy đủ, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo cụ thể trong tổ chức thực hiện phương án, đồng thời triển khai các công việc cụ thể sau:
Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy hoạch chế biến gỗ của mình trên cơ sở Quy hoạch công nghiệp chế biến gỗ đến năm 2020 và định hướng đến 2030 được Bộ phê duyệt tại Quyết định số 2728/QĐ-BNN-CB ngày 31/10/2012; tổ chức rà soát, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất dăm gỗ gắn với vùng nguyên liệu theo định hướng đã xác định theo phương án; báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.
Nhà xưởng, dàn máy, bàn cân phục vụ chế biến gỗ dăm trái phép tại Bãi Trành, Như Xuân
Quy định rõ ràng như vậy nhưng khi trao đổi với PV, bà Lê Thị Minh Nguyệt, Chánh Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa lại liên hệ cho PV làm việc với Chi cục Lâm nghiệp. Tuy nhiên, ông Lê Văn Mơn, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa tỏ ra ngạc nhiên: “Chúng tôi chỉ quản lý về khai thác, trồng rừng thôi, chứ việc chế biến gỗ dăm chỉ nắm qua. Cái này các anh phải sang Sở Công thương, Sở Kế hoạch đầu tư thì mới rõ”.
Trao đổi với PV, ông Lê Ngọc Nghinh, Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và đầu tư cho hay: Sở đang thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát hoạt động của các cơ sở chế biễn gỗ dăm trên cả tỉnh xem có cấp phép hay hoạt động tự phát, sau đó mới có hướng báo cáo để tỉnh xử lý. Theo lịch trình, hết tháng 3/2016 mới tiến hành xong. Lúc đó, Sở mới cung cấp thông tin cho báo chí được.
Trước đó, PV đã có cuộc khảo sát các địa phương, theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa có tới gần 30 nhà máy, cơ sở chế biến lâm sản. Hầu hết các cơ sở này đều xây dựng tự phát, không phép, cạnh tranh nguồn nguyên liệu đầu vào nên tiện đâu mở đó khiến việc kiểm tra, kiểm soát vô cùng khó khăn. Tại huyện Như Xuân có tới 4 hộ xây dựng xưởng chế biến gỗ dăm trái phép trên đất nông, lâm nghiệp, nằm trong hành lang đường bộ...
Cụ thể, hộ ông Nguyễn Quốc Kỳ, thôn Xuân Thượng, xã Thượng Ninh chuyển nhượng cho ông Lê Khắc Bảy, thôn Sông Xanh 700m2 đất lâm nghiệp nhưng không được chính quyền xác nhận. Đến nay, hộ ông Bảy đã và đang xây dựng xưởng chế biến lâm sản khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép, vi phạm hành lang đường Hồ Chí Minh. Tại hiện trường, mặt bằng xưởng sản xuất được đổ đất, đá san lấp xong, nhà bảo vệ, trạm điện đã được xây dựng hoàn thiện. Do xây dựng trái phép, hộ ông Bảy đã bị chính quyền địa phương kiểm tra, lập biên bản, đình chỉ thi công. Tương tự, tại thôn Mỹ Ré, xã Yên Lễ, hộ ông Ngô Đức Huy cũng đã và đang xây dựng xưởng chế biến lâm sản trái phép. Việc xây dựng này không có giấy phép kinh doanh, không được chấp thuận địa điểm đầu tư, lấn chiếm hành lang đường Hồ Chí Minh tại Km 599+800, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Chưa hết, tại thôn Vân Hòa, xã Cát Vân cũng đã và đang xây dựng xưởng chế biến gỗ dăm trái phép, chưa được cơ quan chức năng chấp thuận địa điểm đầu tư, sử dụng đất sai mục đích, xây dựng không có giấy phép đầu tư...
Việc vi phạm của đơn vị này diễn ra trong một thời gian dài, nhưng chính quyền sở tại lại không hề hay biết. Mãi đến khi có thông tin từ người dân thì các cấp chính quyền mới kiểm tra, lập biên bản, đình chỉ xây dựng, buộc tháo dỡ, di rời. Tuy nhiên, việc xử lý không dứt điểm, một thời gian sau thì cơ sở này lại xây dựng, hoàn thiện khiến dư luận bức xúc.
Tại buổi làm việc với PV, ông Lê Sỹ Nghiêm, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân thừa nhận: Thời gian qua, trên địa bàn huyện có tình trạng các hộ gia đình và công ty xây dựng xưởng chế biến gỗ dăm không phép. Khi phát hiện sự việc, huyện cũng đã chỉ đạo các phòng liên quan phối hợp với các địa phương kiểm tra, lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và buộc tháo dỡ công trình. Đến thời điểm này các đơn vị chưa chấp hành, UBND huyện sẽ có phương án cưỡng chế trong thời gian tới.