Đời sống

Thanh Hóa: Khi sông Âm “nổi đóa”

Thanh Phương 02/10/2024 - 13:59

Dòng sông Âm (Thanh Hóa) vốn hiền hòa thơ mộng cung cấp phù sa cho cuộc sống thanh bình hai bên bờ thuộc huyện Thường Xuân và Ngọc Lặc. Những ngày tháng 9, mưa bão triền miên khiến dòng sông “nổi đóa” nhấm chìm hoa màu, ruộng đồng. Vệt nước xoáy làm sạt lở nghiêm trọng đe dọa đường đi lại, tài sản của người dân.

Bà Nguyễn Thị Soạn (sinh năm 1964) thôn Xuân Thắng (xã Ngọc Phụng, Thường Xuân) thở dài nhìn ra bãi mía dọc bờ sông Âm bị nhấm chìm. Mùi thối bắt đầu bủa vây ngôi nhà tềnh toàng và cả trong suy nghĩ. Chỉ trong vài ngày nước dâng cao, toàn bộ mấy sào mía của gia đình mất trắng. Chẳng biết trông chờ vào đâu, giờ gia đình bà chỉ còn biết bấu víu vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

songam.jpg
Sông Âm "nổi đóa" khiến sạt lở nghiêm trọng

“Nước sông Âm năm nay dâng nhanh quá, người dân chúng tôi chẳng kịp trở tay. Mía, ngô đến kỳ thu hoạch mà bất lực nhìn dòng nước nhấm chìm. Những dòng nước xoáy kéo theo bao nhiêu đất đai, hoa màu của người dân xuống đáy sông sâu. Nhìn xót lắm nhưng ông trời đã cướp thì ai mà đỡ được. Chỉ mong sao cơ quan chức năng sớm vào cuộc để chặn khu vực xoáy sâu vào đất, đường đi của dân chúng tôi”, bà Soạn nói.

nguyhiem.jpg
Sạt lở vào đường đi của người dân

Trao đổi với PV vào sáng ngày 2/10, cán bộ địa chính xã Ngọc Phụng Lê Thị Dung cho biết: Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ, đặc biệt là mưa lũ do hoàn lưu cơn bão số 3 năm 2024 gây ra, trên địa bàn huyện Thường Xuân xảy ra mưa lớn. Tại thôn Xuân Thắng và thôn Hưng Long, xã Ngọc Phụng, mực nước sông Âm dâng cao, dòng chảy xiết, gây xói lở các đoạn bờ sông với tổng chiều dài sạt lở khoảng 1.100m.

nghiemtorng.jpg
Hiện tượng sạt ngày một nghiêm trọng

Tại thôn Hưng Long vị trí sạt sâu nhất khoảng 50m, chiều dài sạt lở khoảng 650m; có nguy cơ gây mất an toàn đến tính mạng và tài sản của 77 hộ dân/346 nhân khẩu, 2,4km đường dân sinh, tuyến đường điện 35kV, tuyến kênh xi phông (TX17), 3 nhà van thuộc hệ thống kênh Nam sông Chu, Bắc sông Mã, 30ha đất sản xuất nông nghiệp (16ha mía, 14ha lúa) và 2 khu nghĩa trang của thôn.

bienbao.jpg
Chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo

Ngay khi nhận được báo cáo của xã Ngọc Phụng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã lập đoàn kiểm tra, công bố tình trạng khẩn cấp bờ hữu sông Âm. Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND huyện Thường Xuân triển khai ngay các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người, tài sản của các hộ dân sinh sống trong khu vực ảnh hưởng của sạt lở. Tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của sạt lở và báo cáo kịp thời khi có tình huống nguy hiểm xảy ra.

vetxxoay.jpg
Dòng nước xoáy trực tiếp vào bờ

Thực hiện rào chắn, cắm mốc, biển cảnh báo nguy hiểm trong phạm vi sạt lở và thông tin, tuyên truyền cho các hộ dân, đơn vị trong khu vực biết để chủ động phòng tránh. Tuyệt đối không cho người, phương tiện, vật nuôi đi vào khu vực nguy hiểm, nhất là khi xảy ra mưa, lũ. Khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án ứng phó theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho người và tài sản theo phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện các biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế sự phát triển của sạt lở.

Sạt lở bờ sông Âm

Các sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Xây dựng và các đơn vị liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Thường Xuân tổ chức thực hiện đảm bảo theo quy định.

Về các biện pháp khắc phục, đảm bảo an toàn lâu dài, UBND huyện Thường Xuân tổ chức kiểm tra, khảo sát, đánh giá cụ thể về phạm vi, quy mô, mức độ sạt lở và xác định giải pháp xử lý phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí để đầu tư và triển khai thực hiện.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí để xử lý sạt lở khu vực nêu trên đảm bảo ổn định lâu dài, theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện tại để đảm bảo an toàn cho người và gia súc, chính quyền địa phương ngoài cắm biển cánh báo, căng dây và thông báo rộng rãi trên các phương tiện, loa phóng thanh để mọi người biết, tránh xa khu vực nguy hiểm. Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng lên phương án xử lý, bờ sông Âm vẫn tiếp tục sạt lở vào phía trong kéo theo đó là đất đai, hoa màu của người dân.

Được biết, do mưa lũ của bão số 3 và hoàn lưu bão số 4 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra nhiều điểm sạt lở bờ sông Mã, sông Chu, sông Bưởi và đất đá vùi lấp hệ thống đường sá đi lại tại các huyện miền núi. Trong khi nguồn kinh phí có hạn nên phải mất một thời gian dài để bố trí nguồn vốn thực hiện dự án kè chống sạt lở cho các khu vực. Sông Âm được thế cứ “đỏng đảnh” trên sự lo lắng của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Khi sông Âm “nổi đóa”