Thanh Hóa: Hướng tới khát vọng thịnh vượng

Quốc Huy| 28/07/2020 13:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đi qua thời kỳ chiến tranh, bước sang giai đoạn đổi mới, Thanh Hóa đã nhanh chóng vượt qua muôn vàn khó khăn, rào cản tư duy bao cấp, từng bước thích nghi với cơ chế thị trường, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đặt nền móng cho sự phát triển.

"Nếu ai đó chưa có dịp thăm Thanh Hóa hay chưa trở lại Thanh Hóa trong 10 năm trở lại đây chắc chắn sẽ ngỡ ngàng" - đó là chia sẻ của ông Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, khi nhắc về những đổi thay, phát triển của Thanh Hóa trong 10 năm qua, đặc biệt là nhiệm kỳ 2015-2020.

Là tỉnh có vị trí chiến lược, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp quan trọng cho cuộc tranh đấu giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thanh Hóa đã huy động cao nhất, nhiều nhất nhân tài, vật lực cho chiến trường. Như toàn thể dân tộc Việt Nam, người Thanh Hóa tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, sẵn sàng cống hiến, hy sinh cho mục tiêu cao cả là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Đi qua thời kỳ chiến tranh, bước sang giai đoạn đổi mới, Thanh Hóa đã nhanh chóng vượt qua muôn nghìn khó khăn, vượt qua rào cản tư duy bao cấp, từng bước thích nghi với cơ chế thị trường, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đặt nền móng cho sự phát triển sau này.

Thanh Hóa: Hướng tới khát vọng thịnh vượng

Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan gian hàng tại Hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2019. Ảnh: Hương Thơm

Trong giai đoạn gần đây, Thanh Hóa bước vào thời kỳ phát triển có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao nhất trong gần 30 năm đổi mới. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Huy động vốn cho đầu tư phát triển vượt kế hoạch. Trong giai đoạn này Thanh Hóa vươn mình mạnh mẽ về thu hút vốn FDI. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế (PEII) tăng cao và nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước.

Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế thị trường, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết về phát triển KT - XH miền núi.

Tính đến nay, 11 huyện miền núi đã ban hành nhiều chương trình, đề án phát triển, lồng ghép được các chính sách của Trung ương để kích cầu sản xuất nông – lâm nghiệp, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Nhờ đó, miền núi Thanh Hóa từng bước thay da đổi thịt.

5 năm qua, tổng nguồn vốn huy động khu vực miền núi đạt gần 8.000 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng; cơ cấu nguồn vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng vốn ngân sách, tăng vốn đầu tư của các thành phần kinh tế.

Nhiều công trình đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, như: Đường nối các huyện miền núi phía Tây của tỉnh; đường giao thông từ bản Na Tao, xã Pù Nhi đi bản Chai, xã Mường Chanh (Mường Lát); đường Hồi Xuân – Tén Tằn (Quốc lộ 15C); các tuyến Quốc lộ 217, 47...; nhiều nhà máy thủy điện, như: Cửa Đạt, Trung Sơn, Bá Thước 1, Bá Thước 2, Xuân Minh đi vào vận hành bảo đảm cung ứng điện, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT - XH vùng.

Đến nay, 196/196 xã miền núi dùng điện lưới quốc gia; tất cả các huyện lỵ và các xã miền núi có đường giao thông vào trung tâm; 100% xã có mạng truyền dẫn cáp quang và được phủ sóng thông tin di động... Nhờ đó, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Thanh Hóa: Hướng tới khát vọng thịnh vượng

Khu kinh tế Nghi Sơn góp phần làm nâng tầm tỉnh Thanh Hóa

Chỉ tính riêng trong lĩnh vực kinh tế năm 2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt mức cao nhất từ trước đến nay; nhiều chỉ tiêu về kinh tế tăng cao so với cùng kỳ. Trong đó: Nông, lâm, thủy sản tăng 1,92%; công nghiệp – xây dựng tăng 21,87%; dịch vụ tăng 7,71% và thuế sản phẩm tăng 61,26%.

Về sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao; giá trị sản xuất ước đạt 126.072 tỷ đồng, tăng 32,6% so với cùng kỳ và hầu hết sản phẩm công nghiệp chủ yếu cũng đều có sản lượng tăng.

Các ngành dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá, một số ngành có nhiều khởi sắc; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 108.643 tỷ đồng, vượt 3,5% kế hoạch, tăng 15,2% so với cùng kỳ; giá cả hàng hóa, dịch vụ cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,1%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,72 tỷ USD, vượt 24% kế hoạch, tăng 27,6% so với cùng kỳ; một số mặt hàng xuất khẩu chính cũng tăng cao. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4,93 tỷ USD….

Trong thời gian tới, để thực hiện được khát vọng thịnh vượng, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực mới phát triển, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để chuẩn bị khởi công các dự án lớn, trọng điểm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao trong năm 2020, góp phần hoàn thành vượt mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, cải thiện đời sống nhân dân, đẩy nhanh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; củng cố quốc phòng – an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Hướng tới khát vọng thịnh vượng