Kinh tế

Thanh Hóa hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng

Thanh Phương 16/10/2023 - 11:17

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, Thanh Hóa đã tiến hành triển khai đồng bộ, quyết liệt, bài bản Quy hoạch tỉnh Thanh Hoá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong đầu tư, kinh doanh.

Ngày 27/2/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 153/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hoá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phạm vi ranh giới Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Thanh Hóa và không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Quan điểm phát triển, quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phải phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng.

a1quyhhoach.jpg
Thanh Hóa triển khai bài bản, đồng bộ quy hoạch tỉnh

Phát huy vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, nhất là vùng đồng bằng và ven biển với vùng miền núi, giữa thành thị với nông thôn; giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững, giữa phát triển hợp lý theo chiều rộng với phát triển theo chiều sâu, trong đó phát triển theo chiều sâu là chủ đạo; đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực bảo đảm hài hòa, sử dụng hợp lý các nguồn lực cho phát triển, chú trọng đến phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phù hợp với khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất cho Nhân dân; bảo đảm sự hài hòa về lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường trong suốt quá trình phát triển. Bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên và thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn quá trình đô thị hóa với xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, hài hòa với thiên nhiên.

a2quyhoach.jpg
Thanh Hóa từng bước trở thành cực tăng trưởng mới

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo vững chắc quốc phòng và an ninh; trong đó đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ chiến lược, trọng yếu, phát triển kinh tế là trọng tâm. Chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống, đặc biệt chú trọng ở các địa bàn chiến lược, khu vực biên giới, hải đảo. Mở rộng các quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế để tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao.

Đến năm 2025, Thanh Hóa lọt vào nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước; quốc phòng, an ninh đảm bảo vững chắc; giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội.

a3quyhoach.png
Một góc Khu Kinh tế Nghi Sơn

Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,1% trở lên. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: Đến năm 2030: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 5,1%; công nghiệp - xây dựng chiếm 57%; dịch vụ chiếm 33,3%; thuế sản phẩm chiếm 4,6%.

GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.200 USD trở lên; năm 2030 đạt 7.850 USD trở lên. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đạt 750.000 tỷ đồng trở lên; giai đoạn 2026 - 2030 đạt 900.000 tỷ đồng trở lên. Sản lượng lương thực bình quân hằng năm ổn định ở mức 1,5 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu đến năm 2025 đạt 8 tỷ USD và đạt 15 tỷ USD năm 2030. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt 50% trở lên. Đến năm 2025, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 88%...

Tốc độ tăng dân số bình quân hằng năm duy trì ở mức 0,5 - 0,75%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội năm 2025 chiếm dưới 30%; năm 2030 chiếm dưới 20%. Số bác sỹ/1 vạn dân năm 2025 đạt 13 bác sỹ; năm 2030 đạt 15 bác sỹ. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế năm 2025 đạt trên 92%; năm 2030 đạt trên 95%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2025 đạt 75%; năm 2030 đạt 80%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 1,5% trở lên.

a4quyhoach.png
Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân

Tỷ lệ che phủ rừng năm 2025 đạt 54%, năm 2030 đạt 54,5%. Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh năm 2025 đạt 98,5%; năm 2030 đạt 99,5%. Phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn đến năm 2030 tại khu vực nông thôn đạt 90%, khu vực thành thị đạt 98%.

Bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới, ổn định chính trị và trật tự xã hội.

Các đột phá phát triển, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch và công bằng cho phát triển; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có chính trị tư tưởng vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực, trách nhiệm, uy tín, tận tụy gắn với xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.

a5quyhoach.jpg
Cao tốc Bắc- Nam đưa vào khai thác mở ra hướng phát triển mới của xứ Thanh

Huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, tạo đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là các dự án trọng điểm, lan tỏa, các dự án hạ tầng giao thông, khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, xây dựng cơ sở dữ liệu của tỉnh đồng bộ với hạ tầng dữ liệu Quốc gia, tạo nền tảng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ các ngành kinh tế trọng tâm, trọng điểm của tỉnh.

Đến năm 2045, Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước. Phát triển tỉnh Thanh Hóa theo mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế số, kinh tế trí thức, sáng tạo với nguồn nhân lực chất lượng cao; ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; hạ tầng các ngành dịch vụ hiện đại, kết nối đồng bộ với hạ tầng quốc gia và các nước trong khu vực; ngành nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, sản phẩm an toàn; hệ thống kết cấu hạ tầng thông minh tương thích công dân thông minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng