Hàng nghìn hộ dân tại huyện Hà Trung đang phải “sống dở, chết dở” trên chính mảnh đất cha ông từ xa xưa do vướng các quy định của pháp luật. Nhà cửa dù xuống cấp, dột nát lại không được sửa chữa, xây dựng mới buộc người dân đội đơn kêu cứu nhiều nơi.
Ông Đỗ Mạnh Hùng (SN 1984, trú tại thôn Đầm Sen, xã Hà Dương, Hà Trung) có đơn đề nghị các cơ quan chức năng xem xét giải quyết về việc gia đình mua bán hợp pháp các thửa đất của ba hộ dân với tổng diện tích gần 640m2 (đầu cầu Tống Giang, xã Hà Dương). Ông Hùng đã hoàn thiện thủ tục và được UBND huyện Hà Trung cấp sổ đỏ. Do bức thiết về nhà ở, ông Hùng làm đơn đề nghị lên chính quyền địa phương để cấp phép xây dựng thì không được chấp thuận với lý do vị trí xây dựng nằm trong lòng sông Tống không đủ điều kiện cấp phép. Điều này khiến gia đình vô cùng bức xúc. Bởi nếu đất nằm trong lòng sông Tống thì tại sao UBND huyện Hà Trung lại cấp sổ đỏ cho người dân. Gia đình ông mua bán hợp pháp và cũng được chính quyền địa phương chứng thực, làm thủ tục cấp sổ đỏ.
Khu đất của gia đình ông Hùng được cấp sổ đỏ
Cụ thể, 31/7/2018, Giám đốc Văn phòng đăng ký QSDĐ Hà Trung ký xác nhận cho ông Hùng vợ là Nguyễn Thị Thúy Hiền (SN 1991) được toàn quyền sử dụng QSDĐ tại thửa số 13, tờ bản đồ số 11, diện tích 199,8 m2 loại đất ở nông thôn. Ngày 21/11/2018 ông Hùng và bà Hiền được Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung Lê Tiến Dũng ký cấp GCNQSDĐ ký hiệu CO042983, tờ bản đồ số 11, thửa 631, diện tích 123,8 m2, loại đất ở nông thôn… Qúa trình mua bán, chuyển nhượng, cấp sổ đỏ cho người dân, cơ quan chức năng không hề thông báo hay khuyến cáo về việc các khu đất này nằm trong lòng sông không được phép xây dựng. Chính vì thiếu nhất quán của nhà quản lý đã đẩy người dân vào các sự kiện tranh chấp, buộc họ phải khiếu nại nhiều lần khiến cuộc sống bị đảo lộn.
Đất lòng sông nhưng UBND huyện Hà Trung vẫn "vô tư" cấp sổ đỏ
Không chỉ có gia đình ông Hùng mà hàng nghìn người dân khác cũng trong tình thế “đi không được, ở không xong”. Thống kê trên địa bàn huyện Hà Trung có 33 khu dân cư đang tồn tại ngoại đê, với 2.343 hộ sinh sống của 19/25 xã, thị trấn nhưng chỉ có 4 khu dân cư dọc sông Lèn (thuộc các xã Hà Sơn, Hà Phong, Hà Lâm, Hà Phú, Hà Toại và thị trấn Hà Trung) được phép tồn tại. Còn lại 29 khu dân cư hiện có dọc các tuyến sông khác gồm 1.495 hộ đang sinh sống (1.045 hộ đã có sổ đỏ) không được đề cập trong Nghị quyết số 84/NQ-HĐND về Quy hoạch, phòng, chống lũ các tuyến sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng tới 2030 (ngày 7/12/2017). Như vậy theo quy định, toàn bộ 29 khu dân cư này không được tồn tại, không được xây dựng, cải tạo các công trình nên gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai, xây dựng.
Hàng nghìn hộ dân ở Hà Trung rơi vào tình thế "sống dở, chết dở" do nằm ở ngoại đê
Hiện nay, nhiều hộ dân ở khu vực có đất ngoài làn sông Hoạt (đã có nhà ở ổn định lâu dài hoặc đã được cấp sổ đỏ) nhà ở đã xuống cấp, các hộ đề xuất được cải tạo, xây dựng nhà mới. Nhu cầu của các hộ dân là chính đáng nhưng không được cấp phép xây dựng do vi phạm Luật Đê điều và Nghị quyết 84/NQ-HĐND. Nhiều hộ dân đã có đơn khiếu nại, kiến nghị lên huyện và UBND tỉnh đề nghị xem xét, giải quyết nhiều lần làm ảnh hương tới ổn định tình hình của địa phương.
Chủ tịch UBND huyện Hà Trung Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Việc di dời các hộ dân vi phạm Luật Đê điều, các khu dân cư sát bờ sông có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, các hộ nằm rải rác trên bãi sông… vào nội đê là vấn đề rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có quỹ đất lớn, thời gian chuẩn bị và nguồn kinh phí khổng lồ.
Chủ tịch UBND huyện Hà Trung Nguyễn Văn Tuấn trao đổi với PV
Để có cơ sở giải quyết kiến nghị của người dân, ổn định tình hình, UBND huyện Hà Trung đề nghị UBND tỉnh xem xét, sớm chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Trước mắt, huyện Hà Trung đang đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương thực hiện di dời các hộ khu vực đầu cầu Tống Giang (7 hộ dân, trong đó có gia đình ông Đỗ Mạnh Hùng).
Thiết nghĩ, để đảm bảo các quy định của pháp luật, phù hợp với thực tế, UBND huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm bố trí kinh phí, quỹ đất để hỗ trợ người dân di dời tới nơi ở mới. Cần có phương án, lộ trình từng bước, trước mắt phải cho dân sửa chữa, xây dựng tạm để ổn đình đời sống. Đồng thời thông báo rộng rãi, công khai những nơi, khu vực phải di dời để người dân biết một số quyền bị hạn chế khi mua bán, chuyển nhượng đất, công trình kiến trúc tại đây.