Chính trị

Thanh Hóa đề xuất Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ nhiều điểm nghẽn

Thanh Phương 11/11/2023 - 20:22

Chiều 11/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Thanh Hóa đã đề xuất nhiều chương trình để khơi thông các điểm nghẽn.

Tiếp và báo cáo với Đoàn công tác về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Các Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Bí thư Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.

lamveicbtv.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban thường vụ tỉnh Thanh Hóa

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác về tình hình kinh tế, xã hội của địa phương. Trong thời gian từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay, được sự quan tâm của cấp trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Quy mô GRDP năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020...

chutichtuan.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn báo cáo kết quả phát triển kinh tế- xã hội thời gian qua

Phát huy kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, nhằm tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Từ đó, tạo động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.

Để đạt được mục tiêu lớn trên, tỉnh Thanh Hóa đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ, giới thiệu, vận động các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đầu tư vào Thanh Hóa; đặc biệt là giới thiệu các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, điện tử, công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo, năng lượng mới; dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, y tế, giáo dục - đào tạo.

thutuongchidao.jpg
Thanh Hóa đề xuất Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ nhiều điểm nghẽn

Tỉnh Thanh Hóa cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm tham mưu thực hiện nội dung theo khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 37/2021/QH15, ngày 13/11/2021 của Quốc hội, để tỉnh Thanh Hóa được hưởng chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội.

Đồng thời, chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục giao mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho nhà thầu thi công các dự án hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông - Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước sớm có phương án và lộ trình đầu tư đường cất hạ cánh số 2 tại Cảng hàng không Thọ Xuân theo quy hoạch.

tangquabenhnhan.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, làm việc và tặng quà các bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực

Để khắc phục điểm nghẽn về giao thông, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho chủ trương đầu tư xây dựng đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh tại xã Quang Trung (Ngọc Lặc) với Quốc lộ 6 tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình; tuyến Quốc lộ 217 đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh với tổng chiều dài khoảng 59,42 km, sử dụng vốn vay WB. Đồng thời xem xem xét, giải quyết vướng mắc về nguồn vốn để Dự án thủy điện Hồi Xuân sớm triển khai hoàn thành, đi vào hoạt động.

Đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan, sớm hoàn chỉnh báo cáo đề xuất đầu tư nạo vét luồng tàu vào cảng Nghi Sơn với tổng chiều dài 7,0 km, sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản, theo hướng trình cấp có thẩm quyền giao cho UBND tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư.

Đối với Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí cao cấp Xuân Lai (Như Thanh) có tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, quy mô 48,5ha. Để giải quyết vướng mắc, tỉnh Thanh Hóa đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Thanh Hóa được áp dụng cơ chế đặc thù để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trên...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các thành viên của Đoàn công tác Trung ương ấn tượng và đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong nửa nhiệm kỳ qua, nhất là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm luôn ở mức cao.

Trước đó, vào sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm, kiểm tra tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm trong Khu kinh tế Nghi Sơn và tặng quà cho công nhân của Khu kinh tế gồm Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Cảng biển Nghi Sơn; Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Ban quản lý dự án cho biết, chủ đầu tư của dự án là Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), trong đó PVN góp vốn 25,1%; IKC Nhật Bản 35,1%; KPI Kuwait 35,1% và MCI- Nhật Bản 4,7%, với tổng diện tích 670ha trên bờ và 590ha mặt nước. Công suất chế biến 10 triệu tấn dầu thô/năm; dầu thô nhập khẩu từ Cô-oét. Tổng mức đầu tư: 9,0 tỷ USD.

Tiếp đó Thủ tướng và đoàn công tác đã thăm, làm việc, tặng quà các bệnh nhân đang điều tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (TP Thanh Hoá).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa đề xuất Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ nhiều điểm nghẽn