Thanh Hóa đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử

Tùng Anh| 20/07/2020 18:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xây dựng chính quyền điện tử là một trong những giải pháp quan trọng của tỉnh Thanh Hóa nhằm tiến tới nền hành chính minh bạch, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Với sự ra đời của Nghị quyết số 17/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ, cùng với các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT cũng như yêu cầu của thực tiễn địa phương, tỉnh Thanh Hóa ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT) và là một trong những địa phương đầu tiên kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm, công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan Nhà nước.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm về xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã có những chuyển biến tích cực, từng bước thay đổi phương thức làm việc theo kiểu hành chính giấy tờ sang điều hành, xử lý công việc trên mạng, công khai, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cơ quan quản lý Nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Thanh Hóa đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình kiểm tra hoạt động tại Trung tâm hành chính công tỉnh Thanh Hóa

Đến nay, Thanh Hóa đã hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP), kết nối, liên thông LGSP của tỉnh với trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ việc gửi, nhận văn bản liên thông 4 cấp chính quyền từ Trung ương đến cấp xã. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và Hệ thống một cửa điện tử tại tất cả UBND cấp huyện đã được đưa vào sử dụng, hệ thống một cửa điện tử tại 559/559 UBND chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 10/5/2020.

Thanh Hóa cũng đã đầu tư máy chủ, trang thiết bị mạng để nâng cấp, mở rộng Trung tâm dữ liệu và điều hành an toàn, an ninh mạng của tỉnh, đảm bảo hạ tầng triển khai chính quyền điện tử. 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã đã thường xuyên điều hành, xử lý công việc trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Tỷ lệ văn bản điện tử gửi qua mạng của tỉnh đạt 96%, tỷ lệ văn bản ký số đạt 97%. Ước tiết kiệm được 28 tỷ đồng/năm cho việc chi phí thời gian in, gửi phát hành văn bản của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh, rút ngắn thời gian gửi văn bản từ tỉnh đến huyện, đến UBND cấp xã chỉ còn tính bằng giây. Cổng dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện công bố đầy đủ, kịp thời các TTHC cho cả 3 cấp tỉnh - huyện – xã.

Hệ thống phòng họp trực tuyến tại 215 điểm cầu (83 điểm cầu của khối các cơ quan cấp tỉnh, UBND cấp huyện; 132 điểm cầu của UBND cấp xã); hệ thống đăng nhập tập trung của tỉnh (https://dangnhap.thanhhoa.gov.vn) được đưa vào sử dụng, đảm bảo thuận tiện cho người sử dụng. Thanh Hóa cũng đã đưa vào vận hành hệ thống phản hồi Thanh Hóa (https://phanhoi.thanhhoa.gov.vn/) để tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân khá hiệu quả.

Trước đó, tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cho rằng hiện các điều kiện cần và đủ để đột phá về xây dựng Chính quyền điện tử đã đảm bảo, giao Sở Thông tin và Truyền thông sớm tổ chức hội nghị báo cáo tiến độ các dự án xây dựng chính quyền điện tử và chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo về hạ tầng, các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu 100% văn bản, hồ sơ điện tử của các sở, ban, ngành cấp tỉnh phải được xử lý trên môi trường mạng; 100% văn bản, hồ sơ điện tử của UBND các huyện, thị xã, thành phố phải được xử lý trên môi trường mạng; từ ngày 30/8/2020, 100% văn bản, hồ sơ điện tử của UBND cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Ngoài ra, 100% trang thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước từ tỉnh đến xã phải thường xuyên cập nhật thông tin mới. Từ 1/8/2020, 100% các sở, ngành cấp tỉnh, cấp huyện phải ứng dụng phòng họp không giấy tờ.

Với những nỗ lực trên, tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng sẽ đột phá trong xây dựng Chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được tiếp cận, sử dụng dịch vụ chất lượng với công nghệ tiên tiến, hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử