Nhiều năm qua, các hộ gia đình nằm sát công trình Trung tâm thương mại và khách sạn Great Dragon Hotel (25 Lê Lợi, phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) có đơn thư lên các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu chủ đầu tư giải quyết dứt điểm.
Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ khiến người dân hoang mang, bất bình.
Hứa hẹn, cam kết rồi để đấy
Tháng 1/2010, Cty EITC ép cọc làm nền móng xây dựng Khách sạn Great Dragon Hotel. Trong quá trình thi công đã làm nứt, lún tường nhà của các hộ liền kề. Sau nhiều lần làm việc nhưng không có kết quả nên các hộ dân đã có đơn khiếu kiện gửi đến cơ quan chức năng có chế tài yêu cầu chủ đầu tư bồi thường theo quy định của pháp luật. Trong các buổi làm việc giữa Cty EITC với UBND phường Trường Sơn và các ban ngành chức năng của UBND thị xã Sầm Sơn được thể hiện tại nhiều văn bản, Cty EITC thừa nhận sai phạm và cam kết sẽ đền bù thỏa đáng cho các hộ dân. Thế nhưng, cam kết thì cứ cam kết, còn chủ đầu tư luôn tìm cách “né” nghĩa vụ khiến sự việc dần chìm vào quên lãng và cuộc sống của người dân thì vẫn từng ngày bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Quá bức xúc và phẫn nộ trước hành vi coi thường pháp luật của Cty EITC nên các hộ dân tiếp tục làm đơn kêu cứu lên các cơ quan chức năng của địa phương. Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND thị xã Sầm Sơn đã có nhiều công văn chỉ đạo UBND phường Trường Sơn cùng các ngành chức năng phối hợp với Cty EITC khẩn trương giải quyết đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng như đã cam kết. Ngày 8/7/2013 và ngày 26/7/2013, UBND phường Trường Sơn đã mời Cty EITC và các hộ dân bị ảnh hưởng lên giải quyết việc đền bù. Nhưng tại hai cuộc họp nói trên, phía Cty EITC đã cố tình lẩn tránh k
hông đến họp nhằm chối bỏ trách nhiệm. Từ những vấn đề nêu trên dư luận đang đặt ra câu hỏi: Có hay không việc “ưu ái” của các cơ quan chức năng dành cho Cty EITC nên Công ty này mới coi thường pháp luật như vậy?
Được biết, trong lĩnh vực hoạt động của Great Dragon Hotel có hạng mục kinh doanh “vũ trường”, nhưng hiện tại, khách sạn này vẫn còn dang dở, chưa xong thô (chưa tiến hành hoàn thiện) và đang bị đình chỉ xây dựng. Tuy nhiên, không hiểu sao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa vẫn cấp giấy phép cho “vũ trường Great Dragon Club đưa vào hoạt động và sử dụng”. Đặc biệt, hơn nữa khi dự án Great Dragon Hotel chưa thực hiện việc cam kết đền bù cho các hộ gia đình liền kề thì UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp tục cấp giấy phép đầu tư cho Cty EITC thực hiện các hạng mục xây dựng và kinh doanh khác(?!).
Vì sao chưa khởi tố?
Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư là Cty EITC và đơn vị thi công là Cty cổ phần VACC đã thực hiện hợp đồng xây lắp công trình xây dựng Trung tâm thương mại Great Dragon Hotel. Quan trọng hơn, sau khi Cty EITC tổ chức ép cọc thì Cty cổ phần VACC mới vào thi công, đơn vị này chỉ thực hiện thi công một phần hạng mục như nhân công xây lắp, kèm theo các trang thiết bị thi công như cẩu tháp, cọc cừ, cốp pha, giàn giáo. Cty VACC đã làm đúng các hạng mục thi công và được nghiệm thu theo hình thức cuốn chiếu, đạt yêu cầu kỹ thuật. Vì phía Cty EITC chưa giải quyết tiền đền bù cho các hộ liền kề bị thiệt hại nên việc thi công bị dừng lại.
Vì vậy, Cty cổ phần VACC đã có văn bản yêu cầu Cty EITC phải đảm bảo sự toàn vẹn cho toàn bộ tài sản của Cty cổ phần VACC hiện có tại công trường. Nhưng, trong quá trình Cty EITC quản lý, một số tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Cty cổ phần VACC để tại công trình đã bị mất. Việc mất mát này theo như phía Cty cổ phần VACC trình bày là do ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc kiêm trưởng ban QLDA Cty EITC cùng với các nhân viên Cty này và một số đối tượng ở ngoài đã câu kết chiếm đoạt.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì trong quá trình thực hiện việc thi công, Chỉ huy trưởng công trường của Cty cổ phần VACC là ông Dũng và ông Sơn đã vay một số tiền của bà Nguyễn Thị Tuyết (ở số 95 đường Nguyễn Du, phường Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn). Tại Công an tỉnh Thanh Hóa, ông Dũng và ông Sơn đã thừa nhận việc vay mượn số tiền trên để sử dụng vào mục đích cá nhân riêng, việc vay tiền này được ông Nguyễn Văn Nam đứng ra bảo lãnh để bà Tuyết, ông Hiệp cho hai ông trên vay tiền. Vì không có khả năng chi trả số tiền đã vay mượn cho bà Tuyết và ông Hiệp nên ông Nam đã cho bà Tuyết vào công trường lấy cốp pha của Cty cổ phần VACC ra khỏi công trường để bán trừ nợ.
Cũng liên quan đến vụ việc trên, ông Nam tiếp tục chỉ huy bảo vệ mở cửa công trường cho ông Hiệp vào lấy giàn giáo mang đi bán để trừ số nợ mà ông Nam đã đứng ra bảo lãnh cho ông Dũng và ông Sơn. Sau sự việc trên, Cty cổ phần VACC đã làm đơn tố cáo hành vi của ông Nam đến Công an tỉnh Thanh Hóa. Đơn vị này đã cử cán bộ đến công trình điều tra, xác minh, nhưng đến nay đã nhiều tháng trôi qua nhưng Cơ quan CSĐT tỉnh này chưa đưa ra quyết định khởi tố vụ án.
Chính vì sự chậm trễ của cơ quan chức năng khiến cho nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu nại tại đây vẫn án binh bất động, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các bên có liên quan.