Đang sống yên ổn trong ngôi nhà cha ông để lại, đến một ngày nhà ông Lê Đồng Xu ở xóm 13, xã Tân Ninh (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) bỗng nhiên trở thành di tích cấp tỉnh...
Thế nhưng được một thời gian ngôi nhà bị xuống cấp, chờ mãi chẳng thấy cấp trên rót kinh phí tôn tạo. Mấy mạng người sống trầy trật với ngôi nhà dột nát, ọp ẹp cuối cùng phải bán. Lúc đó các cơ quan chức năng mới tá hỏa và ngăn chặn.
Kinh hoàng sống dưới “di tích nhà”!
Ngôi nhà cổ của dòng họ Lê Đồng là một trong những loại hình kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân gian truyền thống điển hình (5 gian, 2 chái và 4 mái). Năm 2001 có đoàn Nhật Bản về đi khảo sát để xếp hạng nhà cổ, cuối năm 2003 ngôi nhà chính thức được công nhận di tích. Tuy nhiên khi gánh thêm một trọng trách lớn lao “di tích”, gia đình chỉ có niềm tự hào ảo mà không được hưởng bất cứ quyền lợi gì.
Đã là nhà riêng thì quyền sở hữu là cá nhân, nhưng khổ nỗi nhà của ông Xu, bà Ái lại nửa tư, nửa chung nên khó xử lý. Di tích nhà xuống cấp, gia đình làm đơn kêu lên UBND xã, huyện Triệu Sơn, thậm chí ông Xu còn phải khăn gói xuống Sở VHTT&DL để xin kinh phí bảo tồn. Kêu mãi chẳng thấu, nếu là “cha chung” thì một nhẽ, ở đây nó lại là chỗ trú ngụ cho mấy nhân mạng. Chạy ngược chạy xuôi không xong, gia đình ông Xu đành tặc lưỡi cởi bỏ lớp vỏ di tích quay lại thực tế phũ phàng là nhà ở. Chuyện hiển nhiên, nhà hỏng tự phải sửa, tháng 10-2005 gia đình ông vác “sổ đỏ” lên vay ngân hàng 10 triệu đồng để sửa nhà (truy xét đến cùng thì chính ngân hàng cũng cho cắm cả di tích)!?
Cuối năm 2005, ông Xu qua đời để lại quyền sử dụng ngôi nhà cho bà vợ Phạm Thị Ái và ba đứa con. Cuộc sống gia đình bà vốn đã khốn khó nay còn vất vả hơn, đến bữa ăn cũng lo từng ngày chứ nói gì đến lo cho số phận “di tích”. Khi “gần đất xa trời” ông Xu đã căn dặn vợ con phải cố gắng giữ bằng được ngôi nhà cổ, từ tâm nguyện người đã khuất, qua năm 2006 bà Ái tiếp tục vay họ hàng một số tiền để lợp lại hai bên chái. Tuy nhiên sức tàn phá của thiên nhiên quá lớn, ngói cũ nát, rui, mè gãy, mọt nên trời mưa ở trong nhà cũng chẳng khác ngoài trời. Phía trên đã vậy, ở dưới chỉ cần mưa nhỏ đã ngập vào nhà 40 - 50cm.
Bà Phạm Thị Ái ngậm ngùi kể lại sự việc
Năm 2007 bà Ái liên tục làm đơn kiến nghị tới cơ quan chức năng. Huyện Triệu Sơn, Sở VHTT&DL có về khảo sát ngôi nhà để có kế hoạch tu sửa nhưng sau đó lại im bặt.
Sống trầy trật trong ngôi nhà dột nát nhiều năm trời chẳng ai quan tâm đoái hoài, trong khi đó bà Ái một mình nuôi con ăn học, gia đình bà Ái quyết định bán nhà. Sau đó không lâu một người có tâm huyết với nhà cổ đã tới đặt mua với giá 480 triệu đồng. Khi di tích nhà được tháo dỡ hoàn toàn thì các cơ quan chức năng mới tá hoả vào cuộc. Gia đình bà Ái trở thành “thủ phạm” xâm phạm di tích, bị phạt hành chính và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Di tích nay chỉ còn lại những viên ngói sứt, gãy, những cây cột, rui, mèm nằm ngổn ngang.
Quả bóng trách nhiệm lăn tới khi nào(!?)
Chính quyền địa phương thì cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm vì nhiều lần làm đơn xin cấp kinh phí tôn tạo song đến nay chưa nhận được bất cứ nguồn nào. Trước khi di tích được công nhận, gia đình có ký một bản cam kết thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ di sản. Vì vậy lỗi này thuộc về gia đình, do chưa ý thức được giá trị của di sản văn hoá đã tự ý mua bán, tháo dỡ ngôi nhà cổ.
Huyện Triệu Sơn cũng gửi công văn nhiều lần xin chống xuống cấp nhưng chờ mãi chẳng thấy, khi sự việc xảy ra đã báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý. Ngày 22-9-2011, Sở VHTT&DL Thanh Hoá có Báo cáo số 43 về việc di tích bị xâm phạm, yêu cầu chính quyền xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn vào cuộc một cách quyết liệt để giữ nguyên hiện trạng nhà cổ. Tiếp đó, ngày 28-9-2011, ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND Thanh Hoá ký Công văn 6502 UBND-VX, yêu cầu UBND huyện Triệu Sơn phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan để triển khai bảo vệ khẩn cấp nhằm ngăn chặn không để các tổ chức, cá nhân vận chuyển, mua bán trái phép di tích nhà cổ gia đình ông Lê Đồng Xu. Thu hồi các hiện vật đã được bán, vận chuyển đi nơi khác. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cá nhân vi phạm, xử lý theo thẩm quyền, đồng thời tuyên truyền, vận động và có biện pháp hỗ trợ gia đình ông Xu, bà Ái.
Trao đổi với Báo Công lý, lãnh đạo Sở VHTT&DL Thanh Hoá cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã bàn nhiều cách xử lý như đề nghị Bảo tàng tỉnh mua lại để trưng bày. Tuy nhiên Bảo tàng đang nằm trong diện quy hoạch lại nên không có khuôn viên. Sau đó chuyển sang đề nghị huyện Triệu Sơn mua lại, song huyện cũng không có kinh phí. Về phía đối tượng mua nếu có đủ chức năng bảo tồn nhà cổ, cũng sẽ được xem xét để cho di chuyển. Hiện nay ngôi nhà cổ đã bị tháo dỡ, để khôi phục xây dựng lại không phải là chuyện đơn giản nên khả năng phải thu hồi bằng di tích là rất lớn.
Di tích bị tháo dỡ chất đống gần chuồng gà
Trong khi các cơ quan ban, ngành tỉnh Thanh Hoá đang loay hoay tìm cách xử lý thì gia đình bà Ái phải đi ở tạm, các vật liệu như ngói, rui, mè, cột đã hư hỏng phần lớn vẫn tiếp tục phơi mưa, phơi nắng. Bao nhiêu phiền toái đều bắt nguồn từ cách quản lý của địa phương và cơ quan chức năng.
Thật thảm thương cho số phận di tích. Với cách giải quyết “kệ” nó chờ đó xem xét thì khi đợi được quyết định liệu di tích còn lại gì để phục dựng?
T.Phương - H.Anh