Những người lao động dầu khí qua các thời kỳ với lòng say mê và khát vọng cháy bỏng làm giàu cho Tổ quốc đã nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, lao động bền bỉ, và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Thành tựu nổi bật
Ngày 03/7/1959 đã đi vào lịch sử của ngành dầu khí khi Bác Hồ trong chuyến thăm Khu công nghiệp dầu lửa BaKu (Azerbaijan) đã đề nghị Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng những khu công nghiệp dầu khí mạnh….
Đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam, là niềm tin, là ước vọng của đất nước, là mục tiêu hành động, là kim chỉ nam trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Ngay sau chuyến thăm BaKu, Đảng và Bác Hồ đã có những quyết sách đúng đắn, sáng suốt mở đầu cho sự hình thành và phát triển nhanh chóng của ngành dầu khí.
Từ ý nguyện của Bác, trải qua 60 năm, nhìn lại chặng đường đã qua, những người lao động dầu khí qua các thời kỳ, với lòng say mê và khát vọng vươn lên, đã làm việc bền bỉ, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; xây dựng PVN hiện đại và đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến tàng trữ, vận chuyển, chế biến, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2019, PVN là doanh nghiệp đứng đầu trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Hùng Dũng, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công, trong số nhiều thành công đó có 8 thành tựu to lớn, nổi bật, làm nên tên tuổi, thương hiệu Petrovietnam.
Tập đoàn đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp khí, điện và dịch vụ dầu khí. Đặc biệt đã xác định được trữ lượng dầu khí của các phát hiện tới trên 1,4 tỷ tấn quy dầu và đã nghiên cứu đánh giá tiềm năng còn lại của Việt Nam là 1,6-2,8 tỷ tấn quy dầu, đủ khả năng cân đối bền vững cho hoạt động khai thác, bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước trong những thập niên tới. Hoàn chỉnh hoạt động theo mô hình Tập đoàn, thực hiện thành công tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi.
Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI) về tái cấu trúc nền kinh tế và Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí đã chuyển đổi thành công từ hoạt động theo mô hình tổng công ty sang hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước từ tháng 8/2006; hoàn thiện hệ thống chính trị đồng bộ trong toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và hiện đang từng bước triển khai cơ cấu lại toàn diện Tập đoàn trong giai đoạn từ nay tới năm 2025.
Tập đoàn đã hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, luôn ở trong Top đầu những doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào ngân sách Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội. Tổng doanh thu đạt trên 374 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước trên 105 tỷ USD.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trở thành tập đoàn tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế. Song song với việc đầu tư phát triển ở trong nước, Tập đoàn đã tích cực tìm kiếm, mở rộng đầu tư ra nước ngoài; nâng cao uy tín và thương hiệu Petrovietnam trên thị trường quốc tế; góp phần tích cực đưa hình ảnh đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Tập đoàn đã xây dựng được đội ngũ những người làm dầu khí hùng hậu, với số lượng lao động hiện có gần 60 nghìn người có trình độ cao, đủ khả năng làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong và ngoài nước. Trong đó, trên 5.500 người có trình độ trên đại học; trên 25.000 người có trình độ đại học và cao đẳng; trên 25.000 công nhân lành nghề, đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam trong hiện tại cũng như tương lai.
Tập đoàn tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò là “đầu tàu” kinh tế của đất nước. Từ kết quả triển khai các công trình dầu khí thời gian qua, Tập đoàn đã trở thành nòng cốt, là hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung tại: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai - Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất - Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Vũng Áng - Hà Tĩnh, Nghi Sơn - Thanh Hóa... Tập đoàn tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền và biên giới quốc gia trên biển. Nơi nào có hoạt động dầu khí, có giàn khoan đặt chân, ở đó chủ quyền quốc gia được khẳng định.
Tập đoàn luôn ý thức, trách nhiệm cao trong chia sẻ với cộng đồng, hằng năm đóng góp vào công tác an sinh xã hội hàng trăm tỷ đồng. Từ những kết quả, thành tích đạt được, hàng ngàn lượt tập thể và hàng chục ngàn lượt cá nhân đã được tặng thưởng huân - huy chương, kỷ niệm chương, bằng khen các loại và nhiều danh hiệu thi đua các cấp.
Xây dựng thương hiệu trên nền tảng vững chắc
Theo GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (VAFIE), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã khẳng định được vị thế là một thương hiệu mạnh ở trong nước, cần tận dụng lợi thế của Việt Nam hiện đang được các nước trong khu vực và nhiều nước lớn trên thế giới đánh giá cao, kể cả Mỹ, để có chiến lược kinh doanh trên thị trường thế giới, từng bước trở thành thương hiệu mạnh của khu vực và thế giới. GS Nguyễn Mại cũng đánh giá quá trình phát triển của PVN đã tiến gần trình độ phát triển của Petronas của Malaysia.
Gần 60 nghìn người lao động dầu khí có trình độ cao, đủ khả năng làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong và ngoài nước.
Có thể nói chính những người lao động dầu khí đang chung tay làm nên một thương hiệu PVN như hiện nay. Ví dụ như riêng trong năm 2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có 5 doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2018 gồm: Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), Công ty CP Quản lý và Khai thác Tài sản Dầu khí (PSA), Tổng Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) và Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS). Xét từ góc độ kinh tế, năm 2019, PVN là doanh nghiệp đứng đầu trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam do Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) bình chọn.
Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban kinh tế trung ương đánh giá, Tập đoàn Dầu khí là một đơn vị rất đặc thù, ngoài nhiệm vụ kinh doanh còn là ổn định kinh tế vĩ mô cho đất nước vì có nguồn lực, gắn với đó là nhệm vụ bảo vệ chủ quyền, biển đảo. Vì thế, không thể thương hiệu của Tập đoàn Dầu khí đơn giản như các doanh nghiệp khác.
Ông Nguyễn Hùng Dũng Thành viên HĐTV cho biết hiện nay, thực hiện Nghị quyết 41 NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, với quan điểm, mục tiêu xây dựng PVN thành Tập đoàn kinh tế vững mạnh của Việt Nam và khu vực, là hình mẫu doanh nghiệp Nhà nước tốt nhất, thể hiện là một trong những trụ cột chủ đạo của kinh tế Nhà nước.
Tập đoàn sẽ tập trung rà soát các chiến lược, kế hoạch dài hạn, xác định mục tiêu rõ ràng; hoàn thiện đề án chiến lược về nguồn nhân lực; chiến lược về tài chính; kiện toàn hệ thống quản trị về đầu tư; đánh giá hiệu quả quản trị sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường; đầu tư và khoa học công nghệ; kiểm soát rủi ro và xây dựng có hiệu quả văn hóa doanh nghiệp.
Ông Dũng cũng cho biết, trong giai đoạn phát triển mới, bên cạnh nhiều thuận lợi, tập đoàn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt “khoảng lặng” giai đoạn 2015 - 2017 đã ảnh hưởng không ít tới hình ảnh, uy tín và thương hiệu của tập đoàn và một số đơn vị thành viên, đồng thời gây thiệt hại vật chất bằng tiền không nhỏ thông qua giá trị cổ phần, cổ phiếu, tài sản của doanh nghiệp, việc kêu gọi đầu tư với các đối tác cả trong và ngoài nước. Chính vì lẽ đó, việc củng cố và phát triển thương hiệu (gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh trên nền tảng quản trị doanh nghiệp tiên tiến và văn hóa doanh nghiệp) của Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng và cần thiết. Và nói như GS Nguyễn Mại: “Có lực lượng mạnh nhất chính là dầu khí. Nếu có chiến lược đúng phát triển sức mạnh của tập đoàn Dầu khí thì có thể đi nhanh hơn trong đổi mới sáng tạo”.