Phàn Phù Lìn thấy những cánh rừng bị bà con đốt cháy nham nhở mà xót lòng quá. Thấy người Hà Nhì ở Y Tý được bộ đội biên phòng bày cách trồng cây lúa nước trên ruộng bậc thang mà no đủ, ông quyết dẫn nước từ Khe Mềnh về làm ruộng.
Một mình lên núi, chỉ với chiếc xà beng phá đá, cuốc bàn và chiếc xẻng xúc đơn sơ, ròng rã sáu tháng trời kiên trì bạt núi, đào con mương dài 3,7km, dẫn nước về làm ruộng, quyết tâm cấy bằng được cây lúa nước, để mình và dân bản không phải phát rừng làm nương, không phải di canh di cư kiếm cái ăn cực khổ nữa, ông được bà con nơi đây khâm phục, quý trọng, gọi là "thần nông" trên đỉnh Phìn Ngan.
Thi gan cùng đá núi
Trong một lần đến Trường tiểu học Lý Thường Kiệt, quận Long Biên, thành phố Hà Nội làm việc, lúc ngồi chờ tại ghế đá sân trường tôi chợt nghe tiếng giảng bài rất ấn tượng của một cô giáo: “Các em hãy mở sách Tiếng Việt lớp 5, trang 164. Hôm nay chúng ta sẽ tập đọc bài “Ngu Công xã Trịnh Tường” để biết về một người dân tộc Dao sống tại vùng biên giới tài giỏi, không những biết cách làm giàu cho bản thân mình mà còn biết làm cho cả thôn từ nghèo đói vươn lên thành thôn có mức sống khá”. Tôi đã lắng nghe tiết tập đọc ấy và cảm nhận sự trân trọng, nể phục của các em học sinh thủ đô trước một tấm gương trí sáng tạo, nhiệt tình làm việc của ông Phàn Phù Lìn – người được mệnh danh là Ngu Công trong bài viết. Cho đến một ngày được đặt chân đến Trịnh Tường, tôi đã tìm mọi cách để gặp cụ già trong sách.
Trên đường lên Phìn Ngan, một trong những bản cao nhất của xã Trịnh Tường, hết đổ đèo lại leo dốc. Nhìn lên đỉnh Phìn Ngan chỉ thấy mây và những mũi đá sắc nhọn vươn chạm trời đến chóng mặt. Quãng đường chỉ ngót 5 cây số chiếm mất gần một tiếng đồng hồ cuối cùng cũng đưa chúng tôi đến được nơi cần đến. Ngang lưng núi Khe Mềnh, nhà của "thần nông" Phàn Phù Lìn ẩn dưới tán những cây ngoã xanh sẫm tỏa bóng mát cả một vùng núi.
Trái với hình dung của chúng tôi về một vùng “đá khát”, sau làn mây ửng hồng, một mương nước tựa con trăn gió đang rẽ đá sầm sập đưa nước từ lòng khe sâu đổ xuống cả triền ruộng bậc thang rộng hơn 20 ha đang vào kì làm đòng. Trong nắng trưa, dòng nước len lỏi qua các bờ lạch sáng lấp lánh. Người Dao, người Mông ở Phìn Ngan không gọi là mương Khe Mềnh mà hay gọi là mương ông Lìn, tên người khai phá ra dòng nước vàng, nước bạc này từ năm 1987.
“Ngu Công” Phàn Phù Lìn giờ đây đã là một cụ già gần 80 tuổi hiền lành, thuần phác. Hỏi cụ về những tháng ngày xẻ núi dẫn nước, cụ chỉ cười bảo hồi ấy nghèo khó quá thì phải quyết tâm thoát nghèo. Vốn dĩ, trước đây, Trịnh Tường là xã thuần nông, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đời sống của bàn con dựa vào sản xuất nông nghiệp, lại thường gặp thiên tai nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Mặc dù được Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, song việc ổn định sản xuất lâu dài còn nhiều trắc trở do thiếu nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Phàn Phù Lìn thấy những cánh rừng bị bà con đốt cháy nham nhở do tập quán phá rừng làm nương của bà con mà xót lòng quá. Lại thấy người Hà Nhì ở Y Tý được bộ đội biên phòng bày cách trồng cây lúa nước trên ruộng bậc thang mà no đủ, ông quyết dẫn nước từ Khe Mềnh về làm ruộng.
Nói thì dễ, nhưng làm thì húc đầu vào đá. Khe Mềnh cách bản Ngan nửa ngày đường, cây cối rậm rịt, đá cứng như sắt, một mình ông làm thì biết đến bao giờ mới xong. Rồi lại nản! Rồi lại lấy cái lí “khắc làm, khắc được” của người Dao mà một mình lên núi, mang theo một chiếc xà beng phá đá, cuốc bàn và chiếc xẻng xúc đơn sơ. Cuốn sách “Liệt Tử” do nhà triết học tên là Liệt Ngự Khấu của Trung Quốc viết vào thế kỷ thứ bốn, thứ năm trước công nguyên kể về ông lão Ngu Công dời hai ngọn núi Thái Hàng Sơn và Vương Ốc Sơn vốn là chuyện không có thật. Nhưng tôi đồ rằng nếu có thật thì lão Ngu Công ấy dời núi có vất vả cũng chỉ như Phàn Phù Lìn là cùng. Suốt sáu tháng trời ông Lìn thi gan với đá, mũi chân húc vào đá tóe máu, đôi tay đánh gốc cây rừng chợt cả da tay, ngày hai bữa cơm độn ngô với rau rừng, muối rang…
Ông Phàn Phù Lìn trao đổi tình hình an ninh trật tự thôn bản với cán bộ đồn biên phòng Trịnh Tường
Cảm phục trước ý chí của ông, nhiều bà con trong bản đã đến giúp. Cuối cùng thì núi cũng phải bạt trước sức người, con mương dài gần 4 km dần thành hình dẫn nước về bản. Vậy là người bản Ngan lại cùng cùng ông san đất mở ruộng bậc thang ngang triền núi dốc, có mảnh ruộng chỉ rộng bằng một đường bừa, nhưng đó là kết quả của một cách nghĩ, cách làm táo bạo, phá tan cái lạc hậu, bảo thủ ngàn đời của đồng bào nơi đây.
Hàng chục ha ruộng bậc thang đang chuẩn bị cho thu hoạch mà tôi được đắm chìm trong hương lúa hôm nay là khởi nguồn từ ba hécta ruộng bậc thang đỏ tươi đầu tiên trên đỉnh Phìn Ngan. Là dấu ấn công cuộc trị thuỷ của người đàn ông Dao với con suối Khe Mềnh, đưa cây lúa nước bắt rễ ngang lưng núi, “xe duyên” nguồn nước bạc và cây lúa nước, làm ra hạt thóc vàng. Năm ấy cũng vừa đúng lúc Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới, nhà nước giao đất, giao rừng cho người dân làm chủ. Và Phàn Phù Lìn cũng chỉ vừa mới 50 tuổi.
Tấm gương sáng của Phìn Ngan
Từ đó, người Phìn Ngan không phát rừng nữa, các hộ dân giúp nhau cải tạo nương cũ bạc màu thành ruộng bậc thang. Còn ông Phàn Phù Lìn đảm nhiệm việc điều phối chia nước miễn phí cho tất cả mọi người cùng làm ruộng. Người Phìn Ngan chấm dứt cảnh di canh di cư, đề ra hương ước cùng nhau bảo vệ rừng đầu nguồn để giữ nước sản xuất. Những năm tiếp theo, Chương trình 135 làm thêm hai con mương nữa để tưới tiêu hiệu quả hơn, cả một vùng đồi nương hoang hoá, trơ trọc đã biến thành 21ha ruộng nước xanh tốt, năng suất đạt hơn 4 tấn/ha, dư thừa lương thực cho 63 hộ gia đình người Dao nơi đây.
Phìn Ngan bây giờ nổi tiếng với cây thảo quả được trồng dưới tán rừng già, hình thành nên vùng thảo quả hàng hoá rộng hơn 80 ha. Có nghĩa là cũng chừa ấy diện tích rừng đầu nguồn được khoanh nuôi, bảo vệ, mỗi năm đem về cho người dân nơi đây gần chục tỉ đồng. Các gia đình ông Tẩn Sìn Hiển, Tẩn Đức Thìn, Chảo Chỉn Seng mỗi năm thu hoạch cả tấn quả khô, trị giá cả trăm triệu đồng. Cũng chính ông Phàn Phù Lìn là người đem cây về với đất này.
Tuổi cao, gương sáng… ông Phàn Phù Lìn giờ đây đã trở thành một lão nông có uy tín nhất trên đỉnh rừng này. Không chỉ làm kinh tế giỏi, nhiều năm liền tham gia công tác mặt trận của xã, ông còn là tấm gương sáng về nuôi dạy con cái, gìn giữ gia phong, bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình. Năm con ông đều là những hộ sản xuất giỏi của địa phương.
Với hơn 20ha ruộng lúa nước xanh tốt, người dân Phìn Ngan đã không còn lo thiếu đói
Ông Lìn chỉ cho tôi xem tấm Huân chương Lao động hạng Ba và thư khen của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, trong đó có đoạn: "Tôi rất vui mừng được biết, ông là người đầu tiên ở thôn Phìn Ngan mạnh dạn, không nản chí phá bỏ tập tục lâu đời của người Dao, phá rừng làm nương rẫy; vận động gia đình và bà con trong thôn bản san đất làm ruộng, tìm cách dẫn nước để biến những đám nương hoang hoá thành ruộng bậc thang trồng lúa nước, đạt năng suất cao; tích cực bảo vệ chăm sóc rừng, trồng cây thảo quả, giữ nguồn nước; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm..."
Hôm ấy, tôi được no mắt với núi rừng, ruộng đồng và những ngôi nhà mới khang trang, vững chãi ở Phìn Ngan và các thôn bản lân cận. Những tháng ngày khó nhọc khơi dòng dẫn nước về ruộng của bà con đã xa. Công trình thủy lợi “dẫn thủy nhập điền” của lão nông người Dao đã có thêm người tiếp sức. Nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của các thôn bản trên địa bàn hôm nay đã được Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Lào Cai dẫn về qua hệ thống thủy lợi với tổng số vốn gần 15 tỷ đồng. Tuyến kênh bê tông kiên cố dài hơn 7km chạy qua 3 thôn đã phục vụ tưới tiêu cho toàn bộ diện tích lúa và chuối cao sản trong vùng. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi còn bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt và hệ thống ao hồ cho các hộ dân trong vùng dự án, chấm dứt hiện tượng mất đoàn kết và tình trạng di dân do thiếu nước trong vùng... góp phần đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở địa phương này.