Thản nhiên câu cá ở khu vực cấm

Nga Phạm| 29/07/2015 14:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù đã có những tấm biển ghi rõ “Cấm câu cá” dọc bờ hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc..., tuy nhiên nhiều người vẫn thản nhiên thả câu tại các khu vực này.

Dọc các tuyến đường Thanh Niên,  đường ven Hồ Tây, đường Thụy Khuê thậm chí trong Phủ Tây Hồ và chùa Trấn Quốc (Hà Nội) không  khó để bắt gặp tình trạng người dân hồn nhiên thả câu để câu cá ở những khu vực có biển cấm thậm chí nó còn được diễn ra công khai giữa ban ngày.

Những người câu cá này thậm chí không bị ai nhắc nhở, xử lý mà ngược lại còn được những người có mặt hướng ứng, thỉnh thoảng ùa lên tán dương mỗi khi có cá mắc lưới hoặc ai đó câu được cá to.

Chỉ tính riêng khoảng 500m trên đường Thanh Niên, Hà Nội đã có khoảng gần 40 người câu cá, đa phần là đàn ông, người già nhất cũng trên 60 tuổi, trẻ nhất khoảng 19 – 20 tuổi. Và ở mỗi khu vực câu cá đều xuất hiện một người phụ nữ chờ sẵn để mua cá từ người câu cá ở ven hồ.

Thản nhiên câu cá ở khu vực cấm

Rất đông người câu cá tại hồ Tây

Bà Ngô Thị Yến (Yên Phụ, Tây Hồ)  cho biết: “Ở hồ Tây này, tình trạng ngang nhiên câu cá ở khu vực cấm đã diễn ra từ khá lâu, tầm 5 đến 6 giờ chiều, tôi đi bộ tập thể dục là đã thấy họ ngồi sẵn ở đấy rồi. Tuy các cơ quan chức năng có can thiệp nhưng đâu lại vào đấy. Cái này là do ý thức của người dân".

Theo những người dân sống xung quanh khu vực, có hàng trăm người ở ven Hồ Tây sống nhờ vào nghề câu, kéo trộm cá, có người một ngày còn câu được cả yến cá là chuyện bình thường.

Hầu hết những người câu cá này thường sử dụng kỹ thuật câu quăng, đó là kẹp cần câu vào giữa hai chân rồi tay cầm cần, kéo ngang, quay một vòng 180 độ sang bên phải, hoặc trái. Điều này rất nguy hiểm nhất là những đoạn vỉa hè hẹp, ngay cạnh đường đi của xe cộ, vì khi câu, họ vung cần câu cho chùm lưỡi câu văng ra xa, người đi xe máy qua lại nếu không để ý rất dễ bị đầu cần câu đập vào người gây nguy hiểm hoặc tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, những con cá mắc phải lưỡi câu, nếu không được kéo lên, khi cá chết gây thối rữa, bốc mùi hôi thối, nhất là vào mùa hè, mùi cá chết bốc lên càng nồng nặc. Điều này, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái hồ cũng như sức khỏe của người dân xung quanh khu vực này.

Mặc dù rất nhiều các phương tiện truyền thông đã đưa tin về tình trạng này, nhưng dường như các cơ quan chức năng vẫn còn lơ là trong việc xử lý, khiến tình trạng câu trộm cá ở Hồ Tây không những không giảm mà còn diễn ra thường xuyên và tràn lan.

Thản nhiên câu cá ở khu vực cấm

Người câu cá  làm ngơ trước biển cấm đánh bắt

Nhiều người còn đóng cọc, hay làm bè, phao nổi ra giữa hồ để câu cá. Tuy nhiên, ngoài những biển cấm câu trộm không ai thèm để ý thì tuyệt nhiên không thấy có bóng dáng một đơn vị quản lý hay người có trách nhiệm nào.

Đơn vị quản lý trực tiếp có thể đưa ra những lí do như địa bàn hoạt động quá rộng hay số lượng người vi phạm quá đông nhưng chính việc quản lý lỏng lẻo này đã khiến tình trạng câu trộm ở Hồ Tây ngày càng diễn ra nhiều hơn.

Các đơn vị quản lý cần phải có những phương án kết hợp với các cơ quan chức năng để đưa ra những biện pháp cụ thể và xử lý nghiêm khắc hơn để chấm dứt tình trạng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thản nhiên câu cá ở khu vực cấm