Thẩm quyền của VKS phải căn cứ Luật Tổ chức VKSND

Mai Thoa| 10/03/2022 15:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi sẽ được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bằng quyết định của Tòa án.

Tuy nhiên, đối tượng điều chỉnh Pháp lệnh này là người chưa thành niên, nên các quyền và lợi ích hợp pháp của các em cần được bảo đảm.

Dự thảo Pháp lệnh đã đảm bảo chất lượng, chặt chẽ

Tại phiên thảo luận UBTVQH sáng nay, sau khi TANDTC trình dự án pháp lệnh này đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Đây là pháp lệnh đầu tiên UBTVQH ban hành trong nhiệm kỳ này, cũng là vấn đề nhạy cảm vì liên quan đến trẻ em nên Chủ tịch Quốc hội đã quán triệt tinh thần thận trọng, chất lượng. TANDTC được phân công chuẩn bị và đã chuẩn bị chu đáo dự thảo pháp lệnh; đã tổ chức nhiều hội thảo, cuộc họp, và UBTP cũng đã có phiên thẩm tra về dự án pháp lệnh này. Về cơ bản, dự án pháp lệnh đạt chất lượng theo yêu cầu đề ra.

Góp ý về một số nội dung trong dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới băn khoăn về quy định tại Điều 16 điểm đ khoản 1 quy định: Trưởng phòng LĐ-TB&XH không bổ sung tài liệu theo quy định tại khoản 1 điều 15 của pháp lệnh này thì Thẩm phán sẽ tạm đình chỉ việc xem xét quyết định đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Với thời gian 2 ngày Trưởng phòng LĐ,TB&XH không thể đi xác minh mà nhờ qua người Công an cấp huyện, cấp xã nữa và với lực lượng như hiện nay rất khó. Thực tế đối tượng nghiện ma tuý còn có người lang thang cơ nhỡ, từ nơi khác đến thì khi xác minh sẽ khó khăn.

le-tan-toi.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới tham gia ý kiến

Liên quan đến quy định tại Khoản 1, 2 Điều 27 quy định, người nào có bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo thì hoãn, miễn phần theo quy định của điều này. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị quy định danh mục thế nào là bệnh hiểm nghèo, thế nào là bệnh nặng và thẩm quyền cụ thể.

Theo đại diện Ủy ban Pháp luật, căn cứ quyết định đình chỉ tại khoản 1 điều 16, đối với đối tượng cai nghiện ma tuý là người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi thì luật không xác định đây là biện pháp xử lý hành chính và đối với tượng này cần ưu tiên hơn đến việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, quan tâm đến quyền của trẻ em là những đối tượng rất đặc biệt. Với lứa tuổi này, việc được chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh trong môi trường gia đình, cộng đồng là yếu tố quan trọng, cần thiết.

Một trong những căn cứ để đình chỉ là cha, mẹ, người giám hộ hoặc người đại điện hợp pháp của người bị đề nghị thực hiện việc đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc đăng ký các chất dạng thuốc phiện thay thế về điều trị cai nghiện nhưng với điều kiện trước đó họ chưa đăng ký tự nguyện. Còn nếu trước đó đã đăng ký tự nguyện nhưng quá trình thực hiện lại vi phạm hoặc tiếp tục sử dụng chất ma tuý, thì theo quy định của luật phòng, chống ma tuý chúng ta phải đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nếu pháp lệnh quy định việc này thì Nghị định 116 của Chính phủ phải sửa để phù hợp với quy định của pháp lệnh.

Thẩm quyền của VKS cần căn cứ vào luật

Liên quan đến thẩm quyền, phạm vi của VKS, đại diện Uỷ ban Pháp luật cũng cho hay, cơ quan này cũng đã xem xét cả hai loại ý kiến nêu trong báo cáo thẩm tra của UBTP cũng như ý kiến của VKSNDTC. Ủy ban Pháp luật nhận thấy Điều 4 Luật tổ chức VKSND năm 2014 có quy định Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của VKSND để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp.

ub-pl.jpg
Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu

Vì vậy đề nghị pháp lệnh này có thể quy định lại phạm vi kiểm sát của VKSND để phù hợp với các quy định của Luật tổ chức VKSND cũng như thực tiễn. Đồng thời, chỉnh lý khoản 1 điều 4 Pháp lệnh theo hướng VKSND kiểm sát tính hợp pháp trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao quy trình xây dựng và thẩm tra dự thảo pháp lệnh. Đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội đã rất nhiều vòng, nhiều buổi, tham gia vào quá trình tiếp thu ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo, đảm bảo chất lượng. TANDTC cũng đã rất công phu nghiêm túc trong việc xây dựng dự, hoàn thiện thảo pháp lệnh đạt chất lượng, yêu cầu đề ra.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý một số vấn đề như, đánh giá tác động về việc ban hành pháp lệnh theo thủ tục rút gọn; một số vấn đề liên quan đến tài chính ngân sách sau khi áp dụng pháp lệnh; và ý kiến của cơ quan liên quan; vai trò của VKS… cần đánh giá kỹ lưỡng.

Về điều kiện hoãn, miễn chấp hành đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Chủ tịch Quốc hội đồng ý với việc cần quy định đầy đủ trong pháp lệnh. Bởi vì Nghị định 116 của Chính phủ có quy định về vấn đề này nhưng chưa đầy đủ, chưa bao quát hết các vấn đề. Về thời hiệu, vì là biện pháp hành chính không phải là chế tài hành chính, nên không cần phải quy đinh.

Phát biểu giải trình thêm sau đó, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết: hiện nay pháp lệnh quy định thời gian xem xét quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện rất ngắn. Khi xem xét, Tòa án phải đảm bảo nguyên tắc đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ, kịp thời. Tính toán kỹ, trừ thời gian làm việc cần thiết Thẩm phán chỉ có 4 ngày để xem xét quyết định. Quyết định của Tòa án liên quan đến trẻ em, đến quyền con người nên được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng.

Với thời gian ngắn như vậy, nếu quy định chuyển hồ sơ sang VKS xem xét kiểm sát nội dung, thì VKS cũng phải có ít nhất 3 ngày để xem xét rồi chuyển hồ sơ trở lại cho Tòa án. Như vậy sẽ không còn đủ thời gian để Thẩm xem xét, quyết định, chưa kể còn thời gian luật sư, trợ giúp viên pháp lý đọc hồ sơ… Dự thảo pháp lệnh đã quy định VKS có quyền kháng nghị nếu quyết định của Thẩm phán chưa phù hợp với quy định của pháp luật nên các đồng chí vẫn có quyền nghiên cứu tiếp và kháng nghị.

_anm3440-copy.jpg
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du giải trình thêm một số nội dung tại phiên họp.

Theo Phó Chánh án Nguyễn Văn Du, nếu có 1 đồng chí Kiểm sát viên phát biểu quan điểm, Thẩm phán ngồi nghe quyết định của Tòa án thì tốt quá, Tòa án hoàn toàn đồng tình và hoan nghênh việc đó, tuy nhiên cần bảo đảm thời gian để thẩm phán nghiên cứu để bảo đảm quyết định của mình thật chính xác, chuẩn mực.

Về sao chụp hồ sơ, đồng tình với ý kiến là nghiên cứu hồ sơ tại Tòa, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết: Hiện nay công việc của các Thẩm phán rất nặng nề, kinh phí nhà nước cấp là khoán chi theo đầu người nên rất hạn hẹp. Tòa án nhận hồ sơ từ Phòng Lao động xã hội chuyển đến, nếu phải sao chụp hồ sơ để chuyển VKS, không chỉ phát sinh thêm kinh phí mà cả nhân lực để phục vụ,  các thủ tục hành chính… Pháp luật hiện hành quy định việc nghiên cứu hồ sơ của VKS tại Tòa án và những năm qua hai cơ quan đã phối hợp rất tốt vấn đề này...

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo pháp lệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm quyền của VKS phải căn cứ Luật Tổ chức VKSND