Nhằm thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các định hướng về cải cách tư pháp, Ban soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Dự án BLTTDS (sửa đổi) đã nghiên cứu và mở rộng hơn thẩm quyền của TAND các cấp trong giải quyết các vụ việc dân sự.
Đồng thời cũng làm rõ chức năng, nhiệm vụ của VKSND trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
Thẩm quyền của TAND các cấp trong giải quyết vụ việc dân sự
Khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định “TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân...”, vì vậy, thẩm quyền của Tòa án quy định từ Điều 25 đến Điều 32 của BLTTDS hiện hành là chưa phù hợp với tinh thần của Hiến pháp. Do đó, BLTTDS (sửa đổi) sửa đổi theo hướng: Mọi tranh chấp, yêu cầu về dân sự đều phải thuộc thẩm quyền của Tòa án, điều này phù hợp với định hướng sửa đổi BLDS: Thẩm phán không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự với lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Về thẩm quyền của Tòa án, thẩm quyền của những người tiến hành tố tụng thì BLTTDS (sửa đổi) cũng bổ sung phù hợp và đồng bộ với hệ thống TAND theo cấp xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính như định hướng đã được khẳng định trong Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; phù hợp với quy định của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), dự kiến Luật này được Quốc hội thông qua vào tháng 10/2014.
Tuy nhiên, về vấn đề này có hai quan điểm như sau: Quan điểm thứ nhất cho rằng: Chỉ sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng thẩm quyền của Tòa án, giữ nguyên thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự như hiện tại, khi hệ thống Tòa án bốn cấp hoàn thiện thì từng bước thay đổi thẩm quyền sau. Quan điểm thứ hai cho rằng: với mô hình Tòa án bốn cấp thì cần tiếp tục tăng thẩm quyền cho TAND sơ thẩm khu vực (được thành lập theo địa hạt tư pháp trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh) có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết sơ thẩm hầu hết các loại vụ việc dân sự. TAND cấp tỉnh xét xử phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của TAND sơ thẩm khu vực chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật và chỉ xét xử sơ thẩm trong một số trường hợp đặc biệt. TAND cấp cao phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc địa hạt tư pháp chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật; giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án mà bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của các TAND thuộc địa hạt tư pháp bị kháng nghị theo quy định của pháp luật (Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 3 Thẩm phán hoặc Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao). Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Thời hạn giám đốc thẩm phải theo hướng rút ngắn và có tính đến thời hiệu yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Một phiên tòa dân sự (Ảnh minh họa)
Hiện tại, thẩm quyền của TAND các cấp trong giải quyết vụ việc dân sự được Ban soạn thảo, Tổ biên tập thể hiện tại Chương III (từ Điều 25 đến Điều 38) của Sơ thảo BLTTDS (sửa đổi).
Về kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự của VKSND
Hiện nay, VKSND kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự được quy định tại Điều 21 BLTTDS hiện hành. Vấn đề nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định bảo đảm chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND đã được Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 xác định: “Trước mắt, VKSND giữ nguyên chức năng như hiện nay là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. VKSND được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của Tòa án. Nghiên cứu việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố, tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra”.
Mặt khác, để cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 107 Hiến pháp năm 2013 “VKSND thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”, phù hợp với Luật Tổ chức VKSND, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế về xu thế phát triển của TTDS thì VKSND cần tăng cường chức năng thực hành quyền công tố, thu hẹp dần sự tham gia tố tụng đối với hoạt động giải quyết các vụ việc dân sự; tập trung vào hoạt động điều tra, xét xử các vụ án hình sự, điều tra các vụ án tham nhũng, tội phạm chức vụ… Đối với việc dân sự chỉ là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu TAND công nhận thì việc Viện kiểm sát tham gia phiên họp có cần hay không? hoặc phạm vi VKSND kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự chủ yếu thông qua hồ sơ vụ án sẽ như thế nào?
Về những vấn đề trên, việc nghiên cứu, làm rõ những loại vụ việc cần Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, những loại vụ việc VKSND kiểm sát bằng hồ sơ vụ việc còn nhiều quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng: Cần giữ nguyên như quy định tại Điều 21 của BLTTDS hiện hành, vì phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của VKSND. Quan điểm thứ hai cho rằng: Cần giữ nguyên như quy định hiện hành, nhưng hạn chế việc VKSND tham gia phiên họp đối với các việc dân sự. Vì đối với việc dân sự chỉ là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận nhưng phải có Viện kiểm sát tham gia phiên họp là không cần thiết. Quan điểm thứ ba cho rằng: Đối với cấp sơ thẩm thì quy định VKSND tham gia đối với những vụ án mà có đương sự là những người yếu thế và những vụ việc liên quan đến tài sản công. Đối với những vụ việc khác, VKSND chỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm sát thông qua hồ sơ vụ việc. Ngoài ra, VKSND cần tham gia tất cả những vụ việc xét xử cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm.
Việc kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự của VKSND, hiện được Ban soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng 3 phương án và được thể hiện tại Điều 21 Sơ thảo BLTTDS (sửa đổi).