“Thẩm phán tiêu biểu” Phạm Thị Thanh Thủy: Người Thẩm phán phải giỏi một nghề và biết nhiều nghề

Quang Trung| 18/06/2014 10:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với cương vị là Chánh án TAND huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, Thẩm phán Phạm Thị Thanh Thủy đã lãnh đạo cơ quan hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, chị còn tham gia xét xử với vai trò là chủ tọa 702 vụ án trong thời gian từ 1/10/2007 đến 30/9/2013, không có án bị hủy do lỗi chủ quan và không có án quá hạn luật định. 

 

Với những thành tích đó, Thẩm phán Phạm Thị Thanh Thủy được TANDTC tặng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu”.

 

Trong những năm qua, chị Thủy với vai trò vừa lãnh đạo, điều hành đơn vị, vừa tiến hành các hoạt động tố tụng của một Thẩm phán theo quy định của pháp luật. Bởi vậy, bên cạnh việc phân công, điều hành công tác xét xử của đơn vị, bản thân chị còn trực tiếp phải chịu trách nhiệm trong công tác thi hành án hình sự, giải quyết khiếu nại tố cáo, ban hành các quyết định tố tụng và trực tiếp xét xử, giải quyết hàng trăm vụ án mỗi năm. 

 

Thẩm phán Phạm Thị Thanh Thủy tâm sự: Năm 1979 đến 1984, chị học khóa 4 trường Đại học Pháp lý Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, chị được Trường phân công về Đồng Nai và Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Đồng Nai điều động chị về công tác tại Tòa án Tân Phú (cũ, nay là Định Quán). Cuối năm 1984, chị lấy chồng, vợ chồng chị sống tại cơ quan Tòa án trong một căn phòng nguyên là kho chứa hàng của Công ty Thương nghiệp cũ. Năm 1991, do huyện Tân Phú tách chia làm hai huyện nên Tòa án chuyển trụ sở và chị được UBND huyện hóa giá, bán cho căn phòng đó. Như vậy là vợ chồng chị “đã có nhà” nên đưa bố mẹ chồng cùng các em và cả cháu ngoại vào ở chung. Với đồng lương công chức của hai vợ chồng và lương hưu của bố chồng (bố chồng chị là sỹ quan quân đội về hưu và là thương binh), cuộc sống của cả gia đình hơn 10 người lúc bấy giờ thật sự là gánh nặng. Chị phải làm thêm nhiều nghề, từ chăn nuôi, làm rẫy, mua bán nông sản, đến công việc rửa xe… “Hơn 30 năm làm vợ, làm dâu, 29 năm làm mẹ, vừa lên chức bà nội và cũng ngần ấy năm, tôi làm công tác xét xử”, chị chia sẻ.

 

“Thẩm phán tiêu biểu” Phạm Thị Thanh Thủy: Người Thẩm phán phải giỏi một nghề và biết nhiều nghề

Chánh án Phạm Thị Thanh Thủy (thứ ba từ phải sang) và các cán bộ nữ trẻ 

 

Tiếp xúc với Thẩm phán Phạm Thị Thanh Thủy, tôi có cảm giác như đang nói chuyện với một người thân quen, dù đây là lần gặp đầu tiên. “Đối mặt với những khó khăn như vậy, chị làm thế nào để vượt qua?”, tôi thắc mắc. Thẩm phán Phạm Thị Thanh Thủy trải lòng mình: “Trong 30 năm qua, tôi luôn xác định sống “thật”, toàn tâm, toàn ý cho vai trò của mình. Từ lúc nhỏ, tôi đã được mẹ dạy rằng, là chị cả phải gương mẫu cho các em noi theo. Khi lớn lên, tôi làm cái nghề mà ai cũng nói là phải gương mẫu, khi lấy chồng, tôi lại là dâu trưởng của đại gia đình và gần 15 năm tôi đảm nhận trách nhiệm đứng đầu cơ quan xét xử ở huyện. Vậy là, lúc nào tôi cũng cố gắng để sống có tâm và xứng tầm với vị trí của mình. Nhưng có đạt được điều đó hay không còn tùy thuộc vào sự đánh giá của mọi người. Còn bản thân tôi thấy, dù sao đi nữa thì tôi cũng đã cố gắng và sẽ luôn cố gắng để sống tốt hơn mỗi ngày. Bởi vì tôi rất sợ ai đó nói câu “là cán bộ Tòa án mà vậy sao?” hoặc “là Chánh án mà vậy sao?”.  

 

Gần 30 năm làm công tác xét xử, chị rút ra bài học cho bản thân là: “Người Thẩm phán phải giỏi một nghề và biết nhiều nghề”. Bởi, pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, mà thực chất là quan hệ giữa con người với con người. Do vậy, Thẩm phán phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức mọi mặt, luôn phải nghiên cứu, cập nhật kiến thức trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội; phải có hiểu biết về tâm lý con người theo từng lứa tuổi, vùng miền, dân tộc, tôn giáo… 

 

Khi hỏi về bí quyết để trở thành “Thẩm phán tiêu biểu” và thành công trong công việc chuyên môn, chị Thủy cho biết: Trong nghiên cứu hồ sơ, trước tiên cần nắm vững vấn đề thuộc về khoa học pháp lý, áp dụng vào từng vụ án cụ thể để xem xét các yếu tố cấu thành tội phạm, xác định mối quan hệ pháp luật để đánh giá, phân loại các chứng cứ, tìm ra chứng cứ mang tính quyết định bản chất vụ việc để có thể đưa ra phán quyết chính xác. Về kỹ năng tổ chức, điều khiển phiên tòa, phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm cốt lõi của vụ án để có cách hỏi đúng trọng tâm, làm sáng tỏ các vấn đề tại phiên tòa, phải nhạy bén, linh hoạt xử lý các tình huống tại phiên tòa. Để có được điều đó một phần do năng khiếu nhưng phần lớn là do rèn luyện và kinh nghiệm mà ra. 

 

“Làm Thẩm phán đã khó, đặc biệt là nữ Thẩm phán lại càng khó hơn, làm sao để cân bằng vị trí của mình trong cuộc sống. Không thể đem phong thái của một vị chủ tọa phiên tòa về gia đình hay gặp mặt bạn bè. Tòa án hiện nay đang có tỷ lệ nữ khá cao. Vì vậy, làm sao để vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà là yêu cầu bắt buộc đối với chị em phụ nữ. Chúng tôi phải cố gắng rèn luyện và phải vượt lên chính mình nhưng chúng tôi vẫn là “phái yếu”. Do vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ, động viên kịp thời của các cấp lãnh đạo, của đồng nghiệp, của gia đình và người thân nhiều hơn nữa”, Thẩm phán Phạm Thị Thanh Thủy nhắn nhủ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thẩm phán tiêu biểu” Phạm Thị Thanh Thủy: Người Thẩm phán phải giỏi một nghề và biết nhiều nghề