Tham dự hoạt động của IPU là nhiệm vụ ngoại giao đa phương quan trọng của Quốc hội Việt Nam

PV| 13/03/2023 09:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhân chuyến tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 146, gặp Chủ tịch IPU Duarte Pacheco, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Quốc hội Việt Nam luôn xác định việc tham dự các hoạt động của IPU là nhiệm vụ ngoại giao đa phương quan trọng nhằm đóng góp vào thảo luận chung và tìm ra giải pháp cho những vấn đề toàn cầu cấp bách hiện nay.

Tham dự hoạt động của IPU là nhiệm vụ ngoại giao đa phương quan trọng của Quốc hội Việt Nam
 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Chủ tịch IPU Duarte Pacheco bên lề Đại hội đồng IPU-146 tại Bahrain. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 12/3, nhân dịp tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 146, được tổ chức tại thủ đô Manama của Bahrain, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã gặp Chủ tịch IPU Duarte Pacheco và tiếp Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sounthone Xayachak.

Nhiệm vụ ngoại giao đa phương quan trọng của Quốc hội

Theo phóng viên TTXVN tại Manama, tại cuộc gặp Chủ tịch IPU Pacheco, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định kể từ khi trở thành thành viên của IPU vào năm 1979, Quốc hội Việt Nam luôn tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các hoạt động của Liên minh, trong đó đã tổ chức thành công một số sự kiện lớn như Đại hội đồng IPU-132, Hội nghị chuyên đề khu vực châu Á-Thái Bình Dương về biến đổi khí hậu, Hội nghị về Quốc hội Việt Nam và các Mục tiêu phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh việc Việt Nam đăng cai hội nghị nghị sỹ trẻ toàn cầu sắp tới một lần nữa khẳng định cam kết này, đồng thời cũng khẳng định sự quan tâm của Việt Nam đối với vai trò của thanh niên về các vấn đề chung toàn cầu của giới trẻ hiện nay.

Ông Trần Thanh Mẫn đánh giá cao vai trò của ban lãnh đạo IPU trong thời gian qua, với nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ triển khai các chương trình và chiến lược của liên minh, cũng như tăng cường quan hệ hợp tác với các nghị viện thành viên, hướng tới các mục tiêu chung về hòa bình, dân chủ và thịnh vượng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Quốc hội Việt Nam luôn xác định việc tham dự các hoạt động của IPU là nhiệm vụ ngoại giao đa phương quan trọng của Quốc hội nhằm đóng góp vào thảo luận chung và tìm ra giải pháp cho những vấn đề toàn cầu cấp bách hiện nay.

Diễn đàn IPU cũng là nơi cơ quan lập pháp của Việt Nam có thể tiếp cận nhiều nội dung, kinh nghiệm hoạt động và thực tiễn tốt của các nghị viện trên thế giới để hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của mình.

Về phần mình, Chủ tịch Duarte Pacheco cho rằng IPU và Quốc hội Việt Nam cùng chia sẻ những giá trị chung về một thế giới tốt đẹp hơn.

Cơ quan đa phương này luôn tin tưởng đối thoại là công cụ hữu hiệu nhất để thu hẹp khác biệt cũng như giải quyết khủng hoảng và các tranh chấp, và mong muốn Nghị viện của tất cả các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đều trở thành thành viên của IPU.

Nhà lãnh đạo IPU hoan nghênh Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội vào tháng 9 tới và khẳng định sẽ cùng các đơn vị hữu quan của Liên minh phối hợp chặt chẽ để sự kiện diễn ra thành công.

Chủ tịch Pacheco bày tỏ tin tưởng Việt Nam tiếp tục là thành viên có trách nhiệm, đóng góp ý tưởng giá trị cũng như sẵn sàng giữ các trọng trách tại IPU trong thời gian tới.

Việt Nam-Lào tích cực tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm lập pháp, giám sát

Tại cuộc tiếp Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sounthone Xayachak sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định Việt Nam luôn dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Lào; luôn sát cánh và ủng hộ mạnh mẽ công cuộc bảo vệ, xây dựng, đổi mới và phát triển của đất nước bạn.

Tham dự hoạt động của IPU là nhiệm vụ ngoại giao đa phương quan trọng của Quốc hội Việt Nam

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sounthone Xayachak và các đại biểu tại buổi tiếp. Ảnh: TTXVN

Về quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội vui mừng nhận thấy hai bên đã chính thức triển khai thực hiện các nội dung của Thỏa thuận hợp tác ký vào tháng 5/2022.

Hai bên tích cực tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm trong công tác lập pháp, giám sát, góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch COVID-19.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đề nghị hai Quốc hội tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả thỏa thuận hợp tác; phát huy cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV); tiếp tục phối hợp giám sát thúc đẩy việc thực hiện các điều ước quốc tế mà hai nước đã ký kết, nhất là các điều ước quốc tế về thương mại và đầu tư, nhằm tăng cường kết nối hai nền kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sounthone Xayachak đánh giá cao kết quả hai nước đã đạt được trong “Năm đoàn kết hữu nghị Lào-Việt Nam 2022” kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, cũng như quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan đại biểu nhân dân trên các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế trong thời gian qua, đồng thời nhất trí tăng cường phối hợp các cơ quan của Quốc hội hai nước trong nhiệm vụ cùng giám sát các dự án đầu tư, hợp tác song phương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả hợp tác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lào bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với phía Việt Nam và Campuchia để tổ chức thành công Hội nghị Chủ tịch Quốc hội Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ nhất vào đầu tháng 12/2023.

Tương tự, ông Sounthone Xayachak hi vọng Quốc hội Việt Nam tiếp tục hỗ trợ để Quốc hội Lào hoàn thành nhiệm vụ trong cương vị Chủ tịch luân phiên AIPA trong năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham dự hoạt động của IPU là nhiệm vụ ngoại giao đa phương quan trọng của Quốc hội Việt Nam