Những năm qua, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng” tỉnh Thái Nguyên đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và đề ra nhiều giải pháp quyết tâm thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ đã đề ra.
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị Trung ương 7, khóa X đã chỉ rõ: “Hiện nay và nhiều năm tới, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng”, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, là cơ sở ổn định chính trị và an ninh - quốc phòng, là yếu tố cho sự phát triển bền vững. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác bám sát mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tỉnh luôn xác định mục tiêu xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, bao trùm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, đoàn thể, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng nhóm xã; giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, đoàn thể giúp đỡ các nhóm xã, cụ thể các định hướng, giải pháp gồm:
Nhóm xã phấn đấu đạt chuẩn NTM: Xây dựng kế hoạch lộ trình và cân đối, bố trí nguồn lực hỗ trợ thực hiện các tiêu chí cần đạt chuẩn ngay từ đầu năm; tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, hợp tác xã, liên kết sản xuất, xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu... Đồng thời phổ biến, tuyên truyền các nội dung về xây dựng NTM, tổ chức tập huấn, học tập kinh nghiệm cho cán bộ xã, xóm và người dân.
Đề án xây dựng cấp bách chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị hai bên sông Cầu
Nhóm xã đạt chuẩn NTM, xã xây dựng “ nông thôn mới kiểu mẫu”: xây dựng kế hoạch duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí; trong đó tập trung thực hiện các nội dung: Tổ chức sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với nông thôn mới, phát triển các mô hình sản xuất quy mô lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực; xây dựng đời sống văn hóa và môi trường sống xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, mục tiêu hướng tới xây dựng mô hình NTM phát triển bền vững.
Nhóm các xã còn lại: Tổ chức rà soát, đánh giá thực chất mức độ đạt các tiêu chí, xây dựng kế hoạch, cân đối nguồn lực để thực hiện, ưu tiên thực hiện các tiêu chí cần ít nguồn lực, tiêu chí thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh... tạo sự chuyển biến rõ nét và bền vững trên từng lĩnh vực, làm tiền đề phấn đấu đạt chuẩn NTM theo lộ trình đề ra.
Bên cạnh đó, coi trọng và thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức tự giác, tự chủ của người dân, nhân rộng các điển hình tiêu biểu trên cơ sở thực hiện phong trào thi đua: “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí về xây dựng NTM tại từng hộ gia đình, xóm.
Tăng cường thiết chế văn hóa, đáp ứng cơ bản nhu cầu hoạt động văn hóa của người dân nông thôn. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp nâng cao tỷ lệ, chất lượng lao động qua đào tạo. Quan tâm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường nông thôn, xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp.
Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng NTM; xây dựng lực lượng dân quân “vững mạnh, rộng khắp”; giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn. Căn cứ kế hoạch vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM được giao tại Quyết định số 627/QĐ-UBND ngày 08/3/2018 của UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã bố trí ngân sách đối ứng của cấp huyện để thực hiện các nội dung Chương trình theo đúng quy định; trong đó tập trung lồng ghép, phân bổ các nguồn lực để hỗ trợ hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt chuẩn của 32 xã đăng ký về đích NTM giai đoạn 2018 – 2019 theo kế hoạch của tỉnh.
Khu Công nghiệp Điềm Bình, Phú Bình
Phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp; phát triển các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của từng vùng, đảm bảo bền vững. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, nhất là mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030”.
Tổ chức Hội nghị ở cấp tỉnh, huyện theo chuyên đề “Doanh nghiệp và các tổ chức cùng chung sức xây dựng nông thôn mới” đề thu hút nguồn lực đầu tư, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ địa phương. Phân công các Sở, ngành của tỉnh phụ trách trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ các huyện, thành phố, thị xã và các xã đăng ký đạt chuẩn giai đoạn 2018-2019; ngoài vốn chương trình NTM đã được cân đối phân bổ, các Sở, ngành chủ động bố trí lồng ghép nguồn lực của đơn vị mình và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để giúp các địa phương thực hiện nhiệm vụ, nội dung xây dựng NTM.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Chương trình đối với các Sở, ngành và tại các địa phương, trọng tâm là việc thực hiện cơ chế, chính sách, cơ chế đặc thù, huy động nguồn lực của người dân, chất lượng thi công các công trình, giải quyết nợ đọng trong xây dựng cơ bản, công tác thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn NTM,..
Tin rằng, bằng những giải pháp cụ thể, tỉnh Thái Nguyên sẽ xây dựng, tập hợp được sức mạnh đại đoàn kết cùng chung tay thực hiện hiệu quả hơn nữa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.